Một nghiên cứu mới cho thấy chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh ở tuổi trung niên có thể kéo dài tuổi thọ của một người thêm gần một thập kỷ. Kết quả được công bố trên tạp chí Nature Food đã ước tính sự thay đổi lối sống có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của một người như thế nào. Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu của hơn 460.000 người ở Vương quốc Anh.
Kết quả cho thấy người ở độ tuổi 40 chuyển từ chế độ ăn uống không lành mạnh sang lành mạnh có thể kéo dài tuổi thọ thêm khoảng 10 năm (10,8 năm đối với phụ nữ và 10,4 năm đối với nam giới).
Trong khi đó, chuyển từ chế độ ăn vừa phải sang lành mạnh có liên quan đến tăng thêm 3,1 năm tuổi thọ đối với phụ nữ, 3,4 năm đối với nam giới. Thực hiện những thay đổi tương tự ở độ tuổi 70 có liên quan đến tăng 5 năm tuổi thọ.
"Mức tăng về tuổi thọ sẽ thấp hơn khi thời gian cải thiện chế độ ăn uống bị trì hoãn. Với những người bắt đầu ở tuổi 70, mức tăng tuổi thọ bằng một nửa so với người 40 tuổi", các tác giả viết.
Các loại thực phẩm tốt nhất
Các chuyên gia tại Đại học Bergen (Na Uy) và Đại học Glasgow (Scotland) phát hiện ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và trái cây dường như tạo ra sự khác biệt tích cực lớn nhất đối với tuổi thọ. Nghiên cứu ghi nhận những thực phẩm có liên quan chặt chẽ nhất đến tỷ lệ tử vong cao hơn là đồ uống có đường và thịt chế biến sẵn.
Theo phân tích, chế độ ăn uống liên quan đến tuổi thọ bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, hạt, sữa, rau, các loại đậu, cá và thịt trắng. Ngoài ra, người muốn sống lâu cũng nên ăn ít trứng, thịt đỏ, đồ uống có đường, ngũ cốc tinh chế và thịt chế biến sẵn.
Thực đơn như trên tương đồng với chế độ ăn Địa Trung Hải, được coi là một trong những cách ăn uống lành mạnh nhất. Theo đó, các nhà khoa học nhấn mạnh tác dụng ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, rau quả cũng như chất béo lành mạnh đồng thời khuyến cáo hạn chế thực phẩm chế biến sẵn cũng như thực phẩm có đường và đồ chiên rán.
Chế độ ăn uống không lành mạnh không có hoặc chỉ có một lượng hạn chế ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, các loại hạt, các loại đậu, cá, sữa và sản phẩm từ sữa, thịt trắng; một lượng đáng kể thịt đã qua chế biến, trứng, ngũ cốc tinh chế và đồ uống có đường.
Các tác giả thừa nhận rằng nghiên cứu của họ cho thấy mối tương quan chứ không phải quan hệ nhân quả giữa chế độ ăn uống lành mạnh và tuổi thọ dài hơn. Tuy nhiên, họ đã điều chỉnh mô hình để giảm thiểu sai lệch kết quả do các yếu tố như hút thuốc và tình trạng kinh tế xã hội.
Một hạn chế nữa là các nhà khoa học không đo lường mức tiêu thụ cơm của người tham gia, yếu tố đặc biệt quan trọng đối với nhiều nhóm di cư.
Giáo sư Gunter Kunhle, nhà khoa học dinh dưỡng tại Đại học Reading (Vương quốc Anh), người không tham gia vào nghiên cứu, nói với Insider: “Phát hiện này phù hợp với những bằng chứng đã biết về các kiểu ăn kiêng giúp sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn”.