Sáng 27/3, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật đã ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% cổ phần VPBank.
Thương vụ mang về cho VPBank 35.900 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) và một nhà đầu tư chiến lược hàng đầu trong khu vực. Đây là một tín hiệu tích cực và có thể là lý do giúp cổ phiếu VPB tăng trong 7 phiên qua, đi ngược với nỗi e ngại về nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng.
Trước đó, vào tháng 10/2021, SMBC đã để cho công ty con - Công ty Tài chính SMBC Consumer Finance mua lại 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính VPBank SMBC (FE Credit). Vào thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỷ USD. Do vậy, VPBank có thể thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ này.
Khoản đầu tư từ SMCB trong lần này (1,5 tỷ USD cho 15% cổ phần) giúp Ngân hàng VPBank cải thiện sức mạnh tài chính, nâng tổng vốn chủ sở hữu từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.
Và với khoản đầu tư của SMBC, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Đến ngày 31/21/2022, tổng tài sản của VPBank đạt xấp xỉ 27 tỷ USD. Ngân hàng có 251 chi nhánh trên khắp cả nước. Là một trong những nhà băng có nền tảng vốn vững chắc nhất tại Việt Nam, với hệ số CAR xấp xỉ 15%.
Hồi tháng 3/2022, VPBank đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Việc điều chỉnh room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ (sau khi phát hành).
Theo quy định, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.
Đầu năm 2023, Sumitomo Mitsui Banking đã chính thức rút khỏi Eximbank và chuyển kỳ vọng vào VPBank.
Giữa tháng 1/2023, SMBC đã có thông báo quyết định chấm dứt liên kết vốn với Ngân hàng Eximbank sau 15 năm hợp tác. SMBC đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư trong nước vào 13/1 và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại EIB xuống dưới 5%.
SMBC trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank từ 2007 sau khi chi khoảng 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ Eximbank. Tuy nhiên, Eximbank rơi vào một cuộc chiến quyền lực giữa nhiều nhóm cổ đông trong nhiều năm.
Năm 2019, SMBC rút đại diện khỏi Eximbank và chuyển hướng đầu tư vào FE Credit và VPBank.
Bên cạnh Eximbank, SMBC đã từng rót tiền vào lĩnh vực tài chính ở Việt Nam với thương vụ đầu tư vào Tập đoàn Bảo Việt (BVH).
Tuy nhiên, các thương vụ này đều thu về kết quả không mấy khả quan.
Tại thương vụ Eximbank, khoản đầu tư của SMBC thua xa lãi gửi tiết kiệm.
Còn tại thương vụ Bảo Việt, SMCB đã thua lỗ nặng.
Cuối năm 2019, SMBC chi thêm 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm hơn 41,4 triệu cổ phần BVH, nâng tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng Nhật Bản này tại Bảo Việt lên 22,09%.
Khi đó, giá bình quân mỗi cổ phiếu BVH mà SMBC mua vào lên tới 96.817 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó giảm mạnh.
Hiện cổ phiếu BVH còn khoảng 48.500 đồng/cp, chỉ còn khoảng 50% so với thời điểm SMBC đầu tư.
Với thương vụ FE Credit, tình hình cũng không mấy khả quan khi tình hình doanh nghiệp này vài năm gần đây không còn được như trước.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán VCBS cho biết, năm 2022, FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc nợ xấu tăng nhanh.
VCBS cho rằng việc số dư cho vay của FE Credit mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác.
Dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit và dự báo có thể tiếp tục lỗ trong năm nay, trước khi quay trở lại có lãi vào năm 2024.
Trước đó, trong năm 2021, FE Credit báo lãi trước thuế hơn 600 tỷ đồng. Thời hoàng kim, có năm FE Credit báo lãi tới hơn 3.700 tỷ đồng.