Ngoài lục quân Mỹ, xe tăng M1 Abrams còn được trang bị cho quân đội một số quốc gia châu Âu là thành viên khối quân sự NATO. Ngoài những tính năng vượt trội, theo các chuyên gia, loại xe này cũng có một số nhược điểm.

Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, do hiểu rõ tính năng của xe tăng Abrams, binh lính Iraq đã né tránh tấn công trực diện. Đến năm 2003-2004, quân kháng chiến Iraq đã biết khai thác các nhược điểm của loại xe tăng này và diệt được tới 20 chiếc Abrams bằng vũ khí chống tăng hạng nhẹ, đa phần là súng RPG-7 (B-41) và các kiểu tương tự của Trung Quốc, Ai Cập bắn các loại đạn được phát triển trong thập niên 1970 - đầu thập niên 1980. Qua đó, cho thấy lớp giáp bên sườn xe tăng Abrams hoàn toàn không chống được hỏa lực vũ khí chống tăng hạng nhẹ, kể cả các thế hệ vũ khí cũ.

Điển hình là vụ một xe tăng M1 của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn thiết giáp 70, Sư đoàn thiết giáp 1, Mỹ bị bắn hỏng khi đi tuần vào ngày 28/8/2003. Ban đầu, báo chí Mỹ cho rằng xe tăng này bị bắn hỏng do một loại vũ khí bí mật, nhưng trên thực tế nó bị bắn hỏng bởi súng B-41. Luồng lửa nổ lõm xuyên qua tấm chắn sườn xe và vòng tháp, xuyên tiếp vào khoang kíp xe, cuối cùng xuyên những lỗ sâu 30-50mm vào thân xe ở bên sườn kia của xe tăng. Kíp xe may mắn chỉ bị thương nhẹ. 

Xe tăng M1A2. Ảnh: Military.com

Ngày 2/4/2004, một cuộc tấn công bằng súng B-41 đã làm hỏng một xe tăng Abrams khi bắn xuyên hệ thống thủy lực của tháp xe. Ngày 7/4/2004, 1 quả đạn B-41 chống tăng xuyên qua sườn tháp và gây thương tích cho 2 thành viên kíp xe. Ngày 10/4/2004, một chiếc bị tiêu diệt bởi 1 quả đạn B-41 bắn trúng vào bên phải phần mặt dốc đầu xe. Các biện pháp tăng cường bảo vệ cho xe Abrams đã mang lại kết quả không rõ ràng. 

Hệ thống dập lửa Halon phần lớn không hiệu quả. Trên thực tế, mọi vụ cháy thứ cấp do hỏa lực đối phương gây ra đều làm hỏng hoặc đốt nóng động cơ và làm xe tăng bị phá hủy hoàn toàn. Các vật dụng để bên ngoài như máy phát điện phụ (EAPU) bị cháy cũng gây ra tổn thất nặng nề.  

Xe tăng Mỹ nổi bật ở các thiết bị hồng ngoại chất lượng cao. Thiết bị quan sát hồng ngoại phía trước (FLIR) thế hệ 2 có độ phân giải cho phép phân biệt các mục tiêu nhỏ và người ở cự ly xa trong đêm và khi thời tiết xấu, cả khi có bão cát. 

Tuy nhiên, giống như với vỏ giáp bảo vệ, pháo M256 120mm trên xe tăng Abrams thường không đáp ứng được sự trông đợi. Vấn đề sức mạnh hỏa lực trở nên trầm trọng hơn do ban đầu quân Mỹ quá dựa vào cơ số đạn tiêu chuẩn chỉ phù hợp với tác chiến chống tăng, nhưng không thích hợp với tác chiến chống bộ binh. 

Đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT) ban đầu chỉ chiếm 25% lượng đạn dự trữ, sau tăng lên tới 60%, nhưng do thiếu đạn sát thương chuyên dụng nên hiệu quả bắn bị giảm. 

Các vấn đề khác liên quan tới việc sử dụng pháo tăng trong đô thị và tác chiến chống bộ binh phục kích như pháo dài hơn thân xe, các vùng không thể quan sát theo phương đứng khá lớn, nhất là về phía đuôi xe, trường nhìn của pháo thủ bị hạn chế... cũng có tác động nhất định. 

Một nhược điểm nữa của pháo trên xe tăng Abrams là cơ cấu hút khói nòng bằng sợi thủy tinh. Thực tế chiến đấu cho thấy, cơ cấu hút khói nòng dễ bị hư hỏng bởi hỏa lực vũ khí nhỏ, khi khói thoát ra buộc kíp xe phải rời xe sau khi chỉ bắn được 2-3 quả đạn pháo. 

Khi chiến đấu với đối phương cơ động, các kíp xe Abrams phần nhiều phải sử dụng súng máy lắp lộ thiên (súng máy 12,7mm của trưởng xe và súng máy 7,62mm của pháo thủ số 2), không được bảo vệ chống hỏa lực vũ khí nhỏ nên dễ xảy ra thương vong và tạo điều kiện cho đối phương tấn công phá hủy khoang kíp xe qua cửa nắp. 

Ngày 26/3/2003, một xe Abrams đã bị hỏng khi 1 quả rocket chống tăng đập vào nóc và xuyên qua cửa nắp của trưởng xe. Trưởng xe bị trúng đạn và chết trong khi đang tác xạ súng máy 12,7mm. 

Xe tăng M1A2 bị bắn cháy. Ảnh: China.org

Xét tổng thể, xe tăng Abrams thể hiện sức cơ động cao trong chiến đấu. Tuy nhiên, nhịp độ tấn công nhanh, điều kiện có bụi và bão cát mạnh có thể làm hỏng các bộ phận vận hành, bánh lăn và xích bị mòn nhanh, các bộ lọc khí đòi hỏi phải làm sạch và bảo dưỡng liên tục. Xe tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn dự kiến do sử dụng động cơ tua-bin khí, nhất là ở những xe không được trang bị máy phát điện phụ.

Việc sử dụng cường độ cao xe tăng trong đô thị tạo ra thêm những vấn đề do khả năng cơ động bị hạn chế trong đường phố chật hẹp. Trên thực tế, chỉ có thể sử dụng xe Abrams trên các phố lớn hay quảng trường. Việc sử dụng xe tăng cũng gây hư hỏng lớn cho hạ tầng và tài sản đô thị, mặc dù xích lắp guốc cao su phần nào giúp giảm hư hỏng đối với đường sá. 

Video: Xe tăng M1 bị bắn cháy ở Iraq năm 2015. Nguồn: Ref's Channel/ Youtube

Nguyên Phong