Ngày 15/4, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia diễn ra triển lãm và hội thảo Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng.
Triển lãm trưng bày gần 300 tư liệu, hình ảnh giới thiệu về di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam, những đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng miền; thực trạng, xu hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam; một số hình ảnh kiến trúc Phật giáo Việt Nam được xây dựng trong những năm gần đây (chùa ở đô thị; chùa được quy hoạch, xây dựng lại trên nền/vị trí chùa cũ; chùa xây dựng mới…); định hướng xây dựng bộ quy chuẩn và biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, triển lãm sẽ góp phần cung cấp tư liệu cho hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”, qua đó giúp Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai đề án Kiến trúc và Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong các năm tiếp theo hiệu quả, khả thi.
Đồng thời, thông qua triển lãm góp phần giúp tăng ni, phật tử và cộng đồng xã hội nhận diện bước đầu về những đặc trưng, nét đẹp, giá trị truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng như sự cần thiết định hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam phù hợp với đời sống xã hội đương đại. Từ đó, mỗi người sẽ nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Hội thảo Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng gồm 70 bài tham luận tập trung vào các nội dung: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử; Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay: Đặc trưng, tính thống nhất, đa dạng kiến trúc Phật giáo các hệ phái, vùng, miền; định hướng, giải pháp kiến trúc Phật giáo Việt Nam; đề xuất, khuyến nghị đối với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà quản lý tôn giáo, di sản về tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới công trình Phật giáo hiện nay.