Chiều 28/1 (26 tháng Chạp), chị Lê Thị Hương - chủ cửa hàng trái cây sạch ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) - vẫn đang miệt mài ngồi xếp mâm ngũ quả để kịp giao cho khách. Chị chia sẻ, đến giờ này, chị đã ngồi làm gần 20 tiếng đồng hồ, chỉ nghỉ đúng 30 phút ăn cơm.
Chợ Tết năm ngoái, chị Hương cũng làm mâm ngũ quả bán, tuy nhiên số lượng chưa đến 300 mâm cho cả vụ mùa Tết. Còn dịp Tết Nhâm Dần, khách ồ ạt chốt đơn, chị huy động tất cả mọi người trong nhà cùng làm để kịp trả hàng cho khách.
Theo chị Hương, tuỳ khách yêu cầu mà mâm ngũ quả có giá khác nhau. Hàng chị bán giá dao động từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/mâm. Mâm xếp nhiều loại trái cây ngoại sẽ đắt đỏ hơn các loại trái cây Việt.
“Nay là ngày làm việc cuối cùng của năm 2021 theo Âm lịch, nhiều gia đình đặt mâm ngũ quả để kịp thờ Tết trước khi về quê”, chị nói. Riêng ngày hôm nay, chị làm hơn 250 mâm ngũ quả các loại. Còn đơn ngày mai và ngày kia, tổng cộng gần 500 mâm ngũ quả nữa.
Dịch vụ mâm ngũ quả đắt khách ngày cận kề Tết Nhâm Dần |
Xếp mâm ngũ quả làm sao đảm bảo đẹp, khi vận chuyển không bị xô lệch là chuyện không dễ. Chị phải lấy băng dính dán quanh nải chuối, những loại quả còn lại xếp trên dùng keo gắn cho chắc chắn.
Công xếp mất khá nhiều thời gian, người làm lại có hạn nên cách đây 2 ngày, chị đã dừng nhận đơn khách. Số đơn đã nhận, chị cố gắng làm cho xong kịp giao đúng hẹn cho khách.
Chị Đoàn Như Mai, nhân viên một cửa hàng trái cây cao cấp trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ 24 tháng Chạp, chị được chủ cửa hàng phân công chuyên ngồi xếp mâm ngũ quả theo đơn của khách, cùng với 2 nhân viên khác.
Cửa hàng có làm hàng mẫu, có loại sử dụng chuối xanh trong mâm ngũ quả, có loại thì không tuỳ sở thích và nhu cầu. Mâm ngũ quả gồm rất nhiều loại quả khác nhau, giá tuỳ thuộc vào các loại quả được chọn. Mâm ngũ quả rẻ nhất giá 750.000 đồng; loại trung bình được nhiều đặt mua nhất có giá từ 1-2 triệu đồng.
Mâm ngũ quả được làm bằng trái cây nội, giá từ 300.000-800.000 đồng tuỳ loại (ảnh: BH) |
Loại mâm cao cấp giá lên tới 2,5-3,5 triệu đồng. Những mâm này, ngoài chuối xanh, thanh long, dứa, xoài, phật thủ là trái cây nội địa thì còn kết hợp nhiều loại trái cây nhập khẩu cao cấp như lê, nho sữa Hàn, nho xanh mỹ, táo, dưa hay na Đài Loan,... Cùng với đó, còn có hoa tươi các loại cắm xen tuỳ khách yêu cầu.
“Hầu hết các loại quả chọn bày trong mâm ngũ quả đều có ý nghĩa Tết đong đầy, sum vầy, mong năm mới no ấm sung túc”, chị nói.
Theo đó, mỗi ngày riêng chi nhánh cửa hàng của chị Mai xếp khoảng 150 mâm ngũ quả các loại. Những chi nhánh khác số lượng cũng tương tự hoặc nhiều hơn.
Trên thị trường, dịch vụ làm mâm ngũ quả Tết đang nườm nượp khách. Loại rẻ nhất có giá 300.000 đồng, loại đắt nhất có giá lên tới 3,5 triệu đồng/mâm. Tuy nhiên, mâm ngũ quả có giá từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng là đắt khách đặt mua nhất.
Có chủ hàng ngày xếp hàng trăm mâm ngũ quả để trả khách đặt trước (ảnh: BH) |
Do khách đặt mâm ngũ quả quá nhiều, còn thời gian giao hàng chỉ trong vòng 3-4 ngày trước Tết. Thế nên, có nơi quá tải đành từ chối khách.
Sau khi chọn đặt mua mâm ngũ quả với giá 600.000 đồng, chị Phan Hà Giang ở Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) thừa nhận, mâm ngũ quả làm chuyên nghiệp, đẹp mắt, mà giá không đắt hơn so với chị tự đi mua về làm.
Còn nhớ chợ 28 Tết năm ngoái, chị phải chen chân mua hàng. Loại quả nào giá cũng tăng dựng đứng, vô cùng đắt đỏ. Mua một nải chuối xanh đẹp cũng đã 250.000 đồng, quả bưởi đủ cành lá 150.000 đồng, chưa kể xoài, dứa, cam, quất. Tính ra cũng hết khoảng trên dưới 600.000 đồng sau khi hoàn thiện mâm ngũ quả.
Nhưng về bày lên ban thờ kiểu gì cũng không ưng ý. Xếp được quả này thì quả kia lại rơi. Cuối cùng, phải kê bánh kẹo xung quanh mà vẫn không thấy đẹp mắt. Rút kinh nghiệm, năm nay chị đặt mua cho nhanh, cũng đỡ vất vả, chị cho hay.
Châu Giang
Nói thật chiều 30 Tết, lý do nhà giàu Việt kiêng chọn trái cây ngoại thờ Tết
Có những gia đình năm chi hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để mua các loại trái cây nhập khẩu cao cấp vừa ăn, vừa đem biếu tặng, nhưng đến Tết Nguyên đán mâm ngũ quả nhất định phải chọn trái cây của Việt để thờ.