Theo Sina, bà Lý, 62 tuổi, người Trung Quốc, từng có tiền sử mắc bệnh trĩ. Sau một thời gian điều trị và dùng thuốc, sức khỏe bà đã ổn định. Gần đây, khi thức dậy đi vệ sinh, bà Lý phát hiện trong phân có máu, thậm chí, máu không ngừng chảy từ hậu môn. Gia đình vội vàng đưa bà đến bệnh viện kiểm tra.
Ngay lập tức, bác sĩ tiến hành nội soi và phát hiện bệnh nhân khối u 2x3cm cách hậu môn 11cm. Sau khi chẩn đoán giải phẫu, bác sĩ kết luận người phụ nữ này mắc ung thư biểu mô tuyến trực tràng.
Mắc trĩ lâu ngày sẽ trở thành ung thư?
Về vấn đề này, Giáo sư, bác sĩ Tào Cửu Kiến, chuyên về các bệnh hậu môn, trực tràng, cho biết: “Bệnh trĩ không đáng sợ như mọi người tưởng tượng và không phát triển thành ung thư”.
Bệnh trĩ là do mô đệm hậu môn bất thường gây ra, còn ung thư trực tràng là u ác tính xuất phát từ biểu mô. Hai loại này có bản chất khác nhau.
Tuy nhiên, cả bệnh trĩ và ung thư đại tràng đều có thể gây ra triệu chứng đi ngoài ra máu, một số bệnh nhân ung thư trực tràng cũng có thể bị cả bệnh trĩ nên dễ nhầm lẫn dẫn đến chẩn đoán sai.
Bốn điểm khác biệt bạn cần biết
Tuy cả bệnh trĩ và ung thư trực tràng đều có triệu chứng đi ngoài ra máu nhưng vẫn có một số khác biệt, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt qua những biểu hiện sau:
Đi ngoài ra máu: Phân của người mắc bệnh trĩ thường có màu đỏ tươi. Khi đi đại tiện dùng khăn giấy lau sẽ thấm máu, hoặc xuất hiện máu trong phân. Máu của người bị ung thư trực tràng có màu đỏ sẫm, thường chứa chất nhầy.
Số lần đại tiện: Bệnh nhân trĩ thông thường đi ngoài 1-2 lần/ngày, tương đương với người bình thường nhưng bệnh nhân ung thư trực tràng có thể lên tới 4-5 lần/ngày, người bệnh nặng hơn thậm chí có thể lên tới 7-8 lần/ngày.
Cảm giác đại tiện: Nếu tần suất đại tiện tăng, bệnh nhân mắc bệnh trĩ sẽ đau rát ở hậu môn, còn ở bệnh nhân ung thư trực tràng hường bị đau rặn thắt, tức là muốn đi ngoài nhưng không thể đi được.
Mùi phân: Phân của người bệnh trĩ sẽ không có mùi gì đặc biệt nhưng phân bệnh nhân ung thư trực tràng sẽ có mùi tanh hôi.