Tiểu đường là căn bệnh mạn tính thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề khó nói như rối loạn chức năng tình dục, tiểu không tự chủ, hôi miệng…
Nhiều bệnh nhân thậm chí mua thuốc để tự chữa trị. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ làm tăng gánh nặng cho cơ thể và ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh.
Tiểu không tự chủ
Khi bàng quang đầy nước, hệ thần kinh sẽ phát tín hiệu để một người đi tiểu, khiến cơ bàng quang co bóp và cơ thắt niệu đạo giãn ra. Trong thời gian còn lại, cơ bàng quang ở trạng thái thả lỏng và cơ thắt niệu đạo co thắt.
Tuy nhiên, nếu bạn bị tiểu đường, lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm hỏng các dây thần kinh tự chủ kiểm soát bàng quang và niệu đạo, dẫn đến rối loạn chức năng, gây ra tiểu không tự chủ.
Để đối phó với tình trạng này, trước tiên người bệnh cần kiểm soát lượng đường trong máu và giảm tổn thương cho dây thần kinh tự chủ. Họ cũng nên uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh cá nhân, đề phòng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hôi miệng
Theo Aboluowang, một người mắc bệnh tiểu đường do rối loạn chuyển hóa, thiếu insulin, ảnh hưởng tới việc chuyển hóa đường trong cơ thể. Khi đó, chất béo dự trữ bị đốt cháy để sinh năng lượng bù đắp. Quá trình này tạo ra ketone tích tụ trong máu và nước tiểu gây mùi hôi.
Trong trường hợp đó, ngoài chủ động kiểm soát đường huyết, người bệnh cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống tránh làm tăng lượng đường trong máu.
Rối loạn chức năng tình dục
Nhiều nam giới mắc tiểu đường có vấn đề về chức năng tình dục. Lượng đường trong máu không được kiểm soát, dẫn đến bệnh lý thần kinh và rối loạn chức năng tự chủ, ảnh hưởng đến chức năng tình dục.
Mặt khác, bệnh tiểu đường có thể kết hợp với tổn thương mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch, lượng máu đến dương vật bị hạn chế làm rối loạn cương dương.
Ngoài ra, do lượng đường trong máu cao lâu ngày, một số nam giới suy giảm khả năng sinh tinh, chất lượng tinh trùng kém, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Những người đàn ông này phải quan tâm đến việc điều hòa và kiểm soát lượng đường trong máu, xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục nhiều hơn.
Ngứa da
Ở bệnh nhân đái tháo đường, do rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể khiến lượng đường trong máu quá nhiều. Điều đó gây rối loạn chức năng của dây thần kinh, dẫn đến các triệu chứng ngứa da.
Khi da bị ngứa, tránh gãi quá mạnh để không làm trầy xước da và gây nhiễm trùng. Bạn nên sử dụng nước ấm khi tắm, nhiệt độ nước không quá cao hoặc quá thấp để không gây kích ứng da.
Nếu có những biểu hiện trên, mọi người đừng cảm thấy xấu hổ, giấu giếm mà hãy chủ động tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ, để được điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh thêm trầm trọng.