Bé gái 9 tháng tuổi bị bỏ rơi
Thông qua nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, phóng viên được tiếp xúc với Molly Wright. Molly vừa có chuyến về Việt Nam lần thứ 4 để tìm kiếm cha mẹ ruột. Câu chuyện cuộc đời của cô gái người Mỹ gốc Việt này khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
"Vào ngày 12/2/1995, hồ sơ của Trại cô nhi tỉnh Tây Ninh đã ghi lại rằng, tôi được một người chăm sóc tìm thấy vào lúc 5h sáng, ở bên ngoài cổng. Khi ấy, tôi chỉ 8-9 tháng tuổi", Molly bắt đầu vào câu chuyện. Trong Giấy xác nhận trẻ bị bỏ rơi được ký ngày 12/2/1995, bà Hà Thị Yểm, Quản đốc Trại cô nhi, đã viết: "Khoảng 5 giờ sáng ngày 12/2/1995, trại nhặt được một cháu gái độ 9 tháng bị bỏ trước cổng trại, từ đó đến nay không có thân nhân đến thăm. Các cơ quan chức năng cũng tìm gia đình cháu này không có kết quả. Vậy cháu này thực sự bị bỏ rơi".
Được các bảo mẫu chăm sóc, Molly khi đó được làm Giấy khai sinh với tên Nguyễn Ngọc Huỳnh, sinh ngày 20/6/1994. Hai tháng sau, bé gái được tổ chức Maine Adoption Placemen Service (MAP) - một tổ chức con nuôi được cấp phép để người Mỹ nhận nuôi - cho nhập cư vào Mỹ.
"Ngày 9/5/1995, tôi được một người phụ nữ da trắng độc thân đến từ vùng nông thôn phía Tây bang New York nhận làm con nuôi. Bà đã một mình nuôi dạy tôi. Tôi cũng là con một trong gia đình, nhưng xung quanh tôi có nhiều anh chị em họ hàng và bạn bè", Molly kể lại.
Cô gái dần lớn lên với rất nhiều thắc mắc về sự khác biệt ngoại hình của mình với những người xung quanh. Trong sâu thẳm của Molly, cô luôn tự tìm lời giải đáp vì sao mình lại khác biệt như vậy, bởi mẹ cô đã quyết định giữ kín mọi thông tin về chuyện nhận con nuôi. "Điều đó khiến tôi rất tổn thương", Molly chia sẻ.
Sự thay đổi
Với ngoại hình khác lạ với người thân và bạn bè cũng như hàng xóm xung quanh, Molly đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc để đối mặt với nạn bắt nạt và phân biệt chủng tộc, "đặc biệt là ở vùng nông thôn New York", Molly nhấn mạnh. Cô đã phải cố gắng để cân bằng mọi thứ, nhất là cảm xúc và tinh thần, từ những ngày còn nhỏ cho tới khi đi làm.
Molly đã nhiều lần hỏi mẹ về nguồn gốc của bản thân nhưng mẹ cô không muốn hợp tác. Mẹ cô cho rằng, việc đi tìm lại những người đã từng bỏ rơi cô là điều không công bằng cho chính Molly. Nhưng sau rất nhiều lần trò chuyện, Molly đã khiến mẹ cô thay đổi. Và cuối cùng, bà đã quyết định đưa ra các thông tin để Molly hiểu được về cuộc đời và số phận éo le của cô.
Năm 2015, Molly cưới chồng. Anh Shawn Wright luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng vợ về Việt Nam để tìm cha mẹ ruột và những người thân trong gia đình. Năm 2018, Molly tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về đất nước mà cô sinh ra. Cô xem đi xem lại rất nhiều bộ phim tài liệu về ẩm thực của Việt Nam và sử dụng các bộ phim này như là điểm quan trọng để tiếp cận gần hơn với văn hóa Việt.
"Mùa xuân năm 2018, tôi có chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam. Chuyến đi này đã thay đổi cuộc đời tôi, về nhiều mặt. Tôi đã khóc rất nhiều vì nhận ra có điều gì đó sâu thẳm trong tôi được chữa lành khi đặt chân tới đây, đó chính là "một sự quay trở lại". Con người, món ăn, địa điểm mà tôi yêu thích, đều ở đây", Molly không giấu được sự xúc động nghẹn ngào.
"Mẹ ơi, mẹ luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim con. Con mong muốn gặp lại mẹ. Dù mẹ ở đâu, mẹ có thế nào thì cũng đều rất quan trọng đối với con" .
- Molly Wright-
Từ ngày đó tới giờ, Molly đã quay trở lại Việt Nam 4 lần, dù rằng mỗi chuyến đi đều khác nhau nhưng đương nhiên một phần trong cuộc hành trình đó là không thay đổi. Cô luôn tới thăm Trại cô nhi Tây Ninh, nơi cô đã bị bỏ rơi. Hiện nay, tòa nhà vẫn còn và là xưởng may của các bà, các chị. Molly luôn được đón chào với sự nồng ấm và hiếu khách, dù cho có cách biệt về ngôn ngữ.
Molly cho biết: "Tôi luôn được mọi người kéo ghế cho ngồi và chúng tôi cố gắng giao tiếp với nhau qua các cử chỉ tay, ánh mắt và người phiên dịch. Tôi đi dạo quanh khuôn viên của Trại cô nhi trước đây, hít thở sâu và di chuyển chậm rãi. Tôi bỗng nhận ra tôi tự quay trở về tuổi ấu thơ và ký ức này đã khuấy động mạnh mẽ, dù tôi chỉ sống trong khoảng 3 tháng ở đây trước khi qua Mỹ".
Trại cô nhi trước đây đã chuyển tới một cơ sở mới cách đó vài cây số. Mỗi lần tới đây, Molly đều mang theo quần áo, đồ chơi, thức ăn và cùng chơi với tụi nhỏ. Cô rưng rưng nhìn các bé, thấy mình ở trong đó và thấy thật ấm lòng khi được giới thiệu là "chị Hai" của các nhóc.
Tìm người thân
Để tìm kiếm cha mẹ ruột và người thân, Molly đã thông qua ngân hàng ADN tại Mỹ và các hội nhóm trên mạng xã hội, nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, cơ duyên cho cô gặp ông Huỳnh Tấn Sanh, ngụ tại Quận 1, TP.HCM. Ông Sanh rất nhiệt tình hỗ trợ Molly đi tìm người thân. Ông cũng đi cùng Molly tới Tây Ninh để gặp bà Hà Thị Yểm, người quản đốc Trại cô nhi Tây Ninh trước đây.
Bà Hà Thị Yểm, giờ đã 79 tuổi, kể lại: "Tôi đặc biệt nhớ bé gái bị bỏ rơi vào năm 1995. Bởi vì thông thường, nhiều người sẽ bỏ con lại khi con còn đỏ hỏn, nhiều bé còn nguyên cả dây rốn. Nhưng bé gái này đã 8-9 tháng tuổi. Nghĩa là bé đã có sự gắn bó với mẹ, với người thân một khoảng thời gian rồi".
Nghe bà Yểm nói chuyện, Molly không kiềm được nước mắt. Cô nói rằng cô không hề oán trách mẹ mình và những người thân. Bởi "những quyết định về việc từ bỏ tôi khi đó hẳn không dễ dàng gì. Nên tôi hoàn toàn không ác cảm với bất cứ ai trong số họ. Tôi chỉ tha thiết mong muốn tìm lại được cha mẹ ruột và người thân của mình. Đặc biệt là với mẹ. Bà hẳn có nỗi khổ tâm ghê gớm khi phải dứt bỏ con gái của mình, để ở cổng Trại cô nhi Tây Ninh năm đó. Và có thể điều đó đã dằn vặt bà trong suốt cuộc đời này", Molly xúc động cho biết.
Trong suốt cuộc chuyện trò với phóng viên, Molly luôn hy vọng một ngày nào đó kết nối được với gia đình ruột thịt của cô. Molly hình dung ra cuộc hội ngộ của ông bà, cha mẹ, anh chị em và các thành viên trong đại gia đình "sẽ rất vui". Nếu trong trường hợp xấu nhất, cô nói, mà không tìm gặp được gia đình ruột thịt, thì Molly vẫn cảm thấy mãn nguyện.
Vì trong quá trình tìm kiếm gia đình, Molly đã tìm được những người bạn tuyệt vời, những người đã trở thành gia đình của cô mỗi khi Molly tới Việt Nam. "Tôi rất trân trọng các mối quan hệ này và vô cùng biết ơn họ", Molly chia sẻ.
Theo Phụ nữ Việt Nam