1. Sử dụng thực phẩm mốc, hỏng một phần
Hầu như ai cũng biết việc sử dụng thực phẩm mốc, hỏng một phần là điều không nên. Nhưng nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi do có thói quen tiết kiệm nên dù nhận ra thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng nhưng vẫn không nỡ vứt đi toàn bộ mà giữ lại phần nhìn còn có thể sử dụng được để ăn.
Tuy nhiên, khi một phần của thực phẩm đã hỏng nghĩa là toàn bộ thực phẩm này đều đã biến chất và chứa lượng lớn aflatoxin - một loại độc tố vi nấm được sản sinh tự nhiên gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến ung thư gan nếu thường xuyên sử dụng.
Đồng thời, thực phẩm mốc, hỏng có thể chứa một lượng nhất định độc tố cytotoxin có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường ruột.
2. Thực phẩm để qua đêm
Thực phẩm sau khi để qua đêm sẽ khiến hàm lượng nitrite tăng cao, từ đó sản sinh nitrosamine sau khi ăn. Đây là một chất gây ung thư rất mạnh, có thể dẫn đến nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày... Tuy nhiên, bác sĩ cũng chỉ ra không cần quá lo lắng bởi ăn thực phẩm để qua đêm chỉ gây ung thư khi sử dụng lượng thức ăn lớn trong thời gian liên tục.
Tuy vậy, việc sử dụng thực phẩm qua đêm có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu không chế biến đúng cách. Có không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm vì ăn đồ để qua đêm trong tủ lạnh nhưng khi đun nóng lại chưa đủ lâu để tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn. Từ đó dẫn đến việc độc tố của một số vi khuẩn không bị phá huỷ bởi nhiệt và dẫn đến ngộ độc.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ, cần lưu ý khi bỏ ra khỏi tủ lạnh, cần đun nóng lại ít nhất 5 phút trước khi dùng. Đồng thời, không nên sử dụng các món đã nấu để trong tủ quá 2 ngày. Đặc biệt, với những món ăn như rau xanh, hải sản, thực phẩm từ đậu nành, nộm, gỏi... không nên để qua đêm.
3. Đũa và nồi dùng lâu ngày không đổi
Bề mặt của đũa có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh. Nếu sử dụng đũa trong thời gian dài không đổi có thể tạo điều kiện cho những vi khuẩn này ngày một sinh sôi, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Ngoài ra, nếu trong môi trường ẩm mốc hoặc bảo quản không đúng cách, các loại đũa gỗ sẽ dễ bị nấm mốc, đổi màu, xuất hiện các đốm mốc và thậm chí có vị chua, khiến vi khuẩn gây bệnh gia tăng, gây hại cho sức khoẻ.
Cùng với đó, các loại nồi, chảo có lớp chống dính, sau khi dùng một thời gian dài khiến những lớp chống dính bong tróc, vùng màu bạc bên trong dần hiện rõ, tốt nhất nên thay nồi. Vì thực phẩm khi được xào nấu với nhiệt độ cao bằng những dụng cụ kém chất lượng có thể vô tình khiến thức ăn nhiễm các tạp chất kim loại, dư lượng từ lớp chống dính bong tróc... Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ gây hại với sức khoẻ.
Không chỉ vậy, nhiều gia đình có thói quen thích tích trữ chai nhựa đã uống xong để đựng các loại thực phẩm, hạt khô, gia vị trong trong nhà bếp vì sự thuận tiện của nó. Tuy nhiên, nếu dưới những chai nhựa này có ký hiệu "PET" cần lưu ý.
Chai nhựa PET có khả năng chống nhiệt tốt trong điều kiện bình thường mà không biến dạng hay giải phóng các chất có hại. Tuy nhiên, nếu trong điều kiện nhiệt độ cao như đặt cạnh bếp trong thời gian dài thì vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Nhựa PET có thể tạo ra những thay đổi hóa học, giải phóng các chất có hại có khả năng gây ung thư như DEHP, không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
4. Sử dụng bát nhựa giá rẻ, kém chất lượng
Những đồ dùng bằng nhựa an toàn hầu hết đều làm bằng nhựa melamine được tổng hợp từ melamine và formaldehyde. Mặc dù 2 chất này đều có độc nhưng nhưng khi được tổng hợp thành nhựa melamine lại trở nên vô hại với sức khoẻ.
Gây nguy hại cho sức khỏe con người là những loại đồ nhựa chất lượng thấp có mặt trên thị trường.
Nhiều nhà sản xuất vô lương tâm, vì để tiết kiệm chi phí nên thường dùng ure với giá thành tương đối thấp thay cho nhựa melamine để tạo thành nhựa nhựa ure formaldehyde. Phủ lên trên là một lớp bột trắng melamine mould compound.
Khi gặp nhiệt độ cao, những loại dụng cụ ăn uống dùng loại nhựa chất lượng thấp này sẽ giải phóng formaldehyde gây hại cho sức khỏe con người. Nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp, trường hợp nặng có thể dẫn đến các bệnh về máu (bạch cầu) và ung thư.
Nhiều thí nghiệm liên quan đã được thực hiện để kiểm tra chất lượng các loại đồ nhựa. Kết quả cho thấy, các loại vật dụng nhựa dùng vật liệu chất lượng thấp khi gặp nước nóng và dầu nóng sẽ giải phóng hàm lượng formaldehyd lần lượt là 0,16mg/m³ và 0,61mg/m³, vượt xa tiêu chuẩn an toàn là 0,10 mg/m³.
Ngoài ra, các vật dụng bằng nhựa thường có nhiều màu sắc rực rỡ và hoa văn bắt mắt vì nhà sản xuất đã thêm nhiều chất phụ gia trong quá trình làm ra sản phẩm. Chẳng hạn thêm các chất kim loại như chì khiến màu sắc càng rực rõ, thêm chất dẻo như metamamide và phthalate để cải thiện độ bền.
Những chất phụ gia này rất dễ bị phân huỷ ở nhiệt độ cao. Sử dụng lâu dài sẽ gây hại với sức khoẻ người dùng. Bởi vậy, việc sử dụng những vật dụng bằng nhựa có thể dẫn đến các vấn đề về sức khoẻ, thậm chí gây ngộ độc. Đặc biệt là khi tiếp xúc ở nhiệt độ cao như dùng bát đũa thìa để ăn cơm canh nóng...
Theo Trí thức trẻ/ Báo Tổ quốc