Không nên sử dụng các loại thịt chưa chín kỹ để làm gỏi
Gần đây, món gỏi gà măng cụt xanh bỗng thành “trend”, được cư dân mạng hào hứng đón nhận. Trên khắp các trang mạng xã hội, món ăn này được rao bán online rồi từ đó lan ra các quán ăn và bếp gia đình...
Món gỏi trộn từ thịt gà luộc vốn dĩ quen thuộc, nay trở nên đặc biệt vì có thêm nguyên liệu là ruột quả măng cụt xanh thái lát cùng với nhiều loại rau và gia vị như hành tây, cà rốt, đường, lạc, nước mắm, tỏi, ớt... Quả măng cụt xanh có vị hơi chua, ngọt ngọt, thanh mát, rất "bắt miệng" với sự kết hợp này.
Hợp với thời tiết mùa hè, nhiều món gỏi khác như nem chua, cá sống, hải sản như tôm, sứa trộn xoài xanh, chuối xanh, đu đủ xanh... cũng rất hấp dẫn với vị thanh mát của quả kết hợp cùng vị đậm đà của thịt lợn, hải sản. Ngoài ra, để thực đơn mới lạ hơn, nhiều quán ăn, nhà hàng đưa ra các món gỏi sử dụng cá sống, hải sản sống theo cách ăn của người Nhật, Hàn Quốc.
Những món thịt cá, tôm, cua sống được nhúng qua nước chanh hoặc nước tương trộn cùng một số loại rau, củ, quả rất được thực khách ưa chuộng vì cho rằng cách ăn này giữ được vị tươi ngon của hải sản và không bị ngấy. Thậm chí, một số người còn lầm tưởng rằng, cách chế biến đó khiến món ăn bổ dưỡng hơn.
Trên thực tế, việc sử dụng các loại thịt chưa chín kỹ để làm gỏi có thể gây ngộ độc thực phẩm, nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng... Việc ăn sống các loại cá, tôm, sò, ốc, hến, mực, bạch tuộc cũng vậy - rất dễ nhiễm ký sinh trùng. Nhiều ca ngộ độc thực phẩm được ghi nhận sau khi sử dụng các món gỏi trộn cùng hoa quả xanh.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có nhiều lần đưa ra khuyến cáo về những món ăn có cách thức chế biến không an toàn như gỏi cá, tiết canh... Như ngày 15-2, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 278/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc do độc tố tự nhiên gây ra.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm.
Hoa quả chưa chín trộn gỏi có gây ra độc tính?
Ngoài việc tránh sử dụng thịt chưa chín kỹ, việc sử dụng hoa quả xanh để trộn gỏi cũng cần lưu ý trong khâu chế biến để đảm bảo sức khỏe. Trong khi món gỏi gà măng cụt xanh vẫn đang "gây bão" thì mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin kèm lời cảnh báo về độc tính của món ăn này.
Về câu hỏi rằng măng cụt sống trộn gỏi có độc tính hay không, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: “Hiện chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho thấy loại quả này gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu xét về dinh dưỡng thì măng cụt xanh có ít dinh dưỡng hơn măng cụt chín”.
Ngoài ra, quá trình chế biến quả măng cụt xanh cần đảm bảo an toàn vệ sinh, cần loại bỏ những quả măng cụt rụng, thối. Khi cắt vỏ ra, nếu thấy bên trong đã chuyển màu vàng hoặc thâm thì có nghĩa măng cụt không còn tốt. Quả măng cụt xanh có nhiều mủ nhựa hơn, vì thế, khi chế biến phải đảm bảo vệ sinh bằng cách ngâm nước kỹ lưỡng.
Măng cụt là loại quả giàu chất xơ, có vị ngọt cao, vì vậy người béo phì, tiểu đường nên hạn chế ăn quả này. Bên cạnh đó, quả măng cụt cũng có thành phần kali tương đối cao, người mắc bệnh thận và tim mạch cũng phải thận trọng khi ăn.
Không riêng gì măng cụt, tất cả các loại hoa quả xanh dùng để trộn gỏi như xoài, đu đủ, chuối, khế... cần được ngâm rửa sạch sẽ trước khi chế biến để loại trừ thuốc trừ sâu và chất hóa học. Ngoài ra, những người bị dị ứng với các loại hoa quả trên, hay dị ứng với sứa, hải sản thì không nên ăn các món gỏi.
Theo Hà Nội mới