Theo thông tin từ Đại học RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Greeni Maheshwari, giảng viên cấp cao của Đại học RMIT mới đây đã thực hiện một nghiên cứu nêu bật những yếu tố chính ảnh hưởng đến ý định sử dụng và cách sử dụng ChatGPT của sinh viên đại học tại Việt Nam.
Là một trong những nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên về việc sử dụng ChatGPT tại châu Á, nghiên cứu mới công bố này phân tích dữ liệu thu thập được từ 108 người tham gia, bao gồm sinh viên đại học và sau đại học đến từ các trường đại học công lập và tư thục ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đánh giá cá nhân về tính dễ sử dụng, hữu ích, cá nhân hóa và tương tác đều tác động đáng kể đến thái độ và hành vi của sinh viên đối với ChatGPT.
Trong khi đó, cảm nhận về độ đáng tin cậy và thông minh của ChatGPT lại không ảnh hưởng đến ý định sử dụng công cụ này của các sinh viên.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, đánh giá về tính dễ sử dụng có ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng; các sinh viên có xu hướng chấp nhận và sử dụng ChatGPT nhiều hơn khi họ thấy thuận tiện và thân thiện với người dùng.
Tuy nhiên, đánh giá về tính hữu ích của ChatGPT không tác động trực tiếp đến ý định sử dụng công cụ này của các sinh viên, mà ảnh hưởng gián tiếp thông qua tính cá nhân hóa - mức độ ChatGPT có thể được cá nhân hóa theo nhu cầu của sinh viên, và tính tương tác - các tính năng tương tác mà công cụ này cung cấp.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, đánh giá về độ thông minh của ChatGPT không phải là yếu tố khiến sinh viên cân nhắc sử dụng công cụ này hay không. Điều này, theo lý giải của chuyên gia Đại học RMIT, có thể do thực tế rằng ChatGPT vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như thiếu khả năng cung cấp thông tin mới nhất.
Nghiên cứu mới của chuyên gia RMIT cũng củng cố nhận định, việc xây dựng niềm tin cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo - AI đòi hỏi thời gian và trải nghiệm tích cực xuyên suốt.
Những hạn chế liên quan đến ChatGPT, chẳng hạn như thông tin lỗi thời, đã ảnh hưởng đến nhận thức của sinh viên về tính năng và độ đáng tin cậy của công cụ này, cũng như ý định sử dụng nó.
Tiến sĩ Greeni Maheshwari cho hay, những hiểu biết sâu sắc thu được từ nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực giúp các tổ chức giáo dục đưa ra quyết định liên quan đến việc sử dụng ChatGPT và các công cụ AI tạo sinh khác trong môi trường giáo dục.
“Thông qua nhận thức về tầm quan trọng của các yếu tố như tính dễ sử dụng, tính hữu ích, tính tương tác, tính cá nhân hóa và ý định áp dụng, các tổ chức giáo dục có thể triển khai những chiến lược hiệu quả nhằm thu hút sinh viên sử dụng các công cụ AI một cách hợp lý”, Tiến sĩ Greeni Maheshwari chia sẻ.
Chuyên gia Đại học RMIT cũng đưa ra nhận xét, thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng đầy tiềm năng trong ngành giáo dục dựa trên sức mạnh của AI mà ChatGPT là công cụ điển hình.
Nó đem lại những thay đổi căn bản trong cách con người nhận thức và tiếp cận việc học, hứa hẹn mang lại trải nghiệm giáo dục cá nhân hóa, tương tác và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh còn nhiều lo ngại đạo đức xung quanh việc sử dụng AI trong giáo dục, Tiến sĩ Greeni Maheshwari khuyến nghị, các trường có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo sử dụng AI có trách nhiệm.
Cụ thể, các trường nên ban hành hướng dẫn và quy tắc ứng xử rõ ràng cho cả người học và người dạy, đồng thời cân nhắc thấu đáo về việc tích hợp AI vào công tác khảo thí.
Cũng theo chuyên gia này, khi sử dụng các công cụ AI đang trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi, chúng ta cần phải thiết kế các bài đánh giá theo hướng khuyến khích sử dụng AI có trách nhiệm và duy trì kỹ năng tư duy phản biện cũng như tính sáng tạo của người học trong quá trình làm bài.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức liên tục có thể giúp người học và người dạy hiểu về các khía cạnh đạo đức của việc sử dụng AI trong giáo dục, thúc đẩy văn hóa sử dụng công nghệ có trách nhiệm.
"Nếu hành động dựa trên những cân nhắc về đạo đức một cách có ý thức, các tổ chức giáo dục có thể khai thác lợi ích của AI song song với duy trì các tiêu chuẩn đạo đức”, Tiến sĩ Greeni Maheshwari nêu quan điểm.