Đà Nẵng là địa phương liên tục dẫn đầu về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Đại diện địa phương này, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ TT&TT, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai nền tảng Công dân số My Portal, theo quan điểm lấy người người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, đã được Chính phủ, Bộ TT&TT nhiều lần yêu cầu.
Thực tế, giai đoạn trước, tại Đà Nẵng phần lớn thông tin, dữ liệu của đa số người dân chưa được số hoá và quản lý trên môi trường mạng, các dịch vụ và tiện ích được cung cấp một cách rời rạc bởi các nhóm cơ quan khác nhau, tại những ứng dụng khác nhau. Hầu hết các nhóm dịch vụ cũng chưa chia sẻ thông tin người dùng, do đó người dân phải khai báo và cung cấp hồ sơ, thông tin cá nhân mỗi lần đăng ký sử dụng một dịch vụ mới.
Để giải bài toán trên, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng các dịch vụ, tiện ích mà chính quyền Thành phố cung cấp, Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào vận hành từ tháng 6/2022 nền tảng Công dân số - My Portal, được tích hợp trên ứng dụng “DaNang Smart City”.
Nền tảng này cho phép mỗi người dân Đà Nẵng có 1 kho dữ liệu số, có thể sử dụng lại thông tin, dữ liệu của mình; dùng tất cả các dịch vụ, tiện ích số cũng như tương tác 2 chiều với chính quyền.
My Portal được phát triển tuân thủ khung kiến trúc, các mô hình, tiêu chuẩn kỹ thuật; sử dụng công nghệ OCR trích lọc thông tin từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu... để đơn giản cho người dùng. Người dân sử dụng tất cả dịch vụ trên 1 ứng dụng di động duy nhất.
Đặc biệt, kho dữ liệu công dân số không chỉ có thông tin về hành chính, định danh của người dân mà có cả các tài liệu, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ sức khoẻ điện tử, giáo dục, bảo hiểm… Tất cả thông tin trên được đóng gói trong một mã QR cá nhân để phục vụ trong các giao dịch điện tử. “Nền tảng My Portal là một thành phần lõi và đã tích hợp với các ứng dụng, dịch vụ trong Hệ sinh thái ứng dụng công dân số của thành phố”, ông Thạch cho hay.
Thời gian qua, các Tổ công nghệ số cộng đồng và lực lượng đoàn viên, thanh niên tại Đà Nẵng đã tham gia đưa nền tảng My Portal đến từng người dân, hướng dẫn tạo tài khoản cho người dân cũng như cho nhân viên, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp mình.
Đến nay, nền tảng My Portal đã có hơn 260.000 tài khoản công dân số, chiếm hơn 43% người dân trưởng thành của Đà Nẵng. Nền tảng hiện cung cấp 100% dịch vụ hành chính và sự nghiệp công cùng 25 tiện ích thường dùng cho người dân như: Góp ý, phản ánh; Đánh giá hài lòng; dữ liệu mở; Hẹn lịch khám chữa bệnh, Hẹn giờ thực hiện dịch vụ công, tra cứu và thanh toán điện, nước, vệ sinh môi trường; Cung cấp thông báo/cảnh báo từ chính quyền...
Cũng theo ông Trần Ngọc Thạch, việc triển khai nền tảng My Portal góp phần đưa tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của Đà Nẵng tăng trưởng cao. Cụ thể, trong 4 tháng cuối năm 2022, tỷ lệ này đã tăng từ 53% lên 71%, trong khi 6 tháng đầu năm chỉ tăng từ 50% lên 53%.
Trong năm tới, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh sử dụng nền tảng My Portal, hướng đến mục tiêu 50% dân số, tương ứng với khoảng 80% người dân trưởng thành của Thành phố có tài khoản số.
“Cùng với đó, chúng tôi cũng bổ sung phân hệ thông tin, dữ liệu số và tích hợp các dịch vụ, tiện ích số của cơ quan, doanh nghiệp để người dân sử dụng; đồng thời tiếp tục công khai, cung cấp thông tin an sinh xã hội như mưa lũ, ngập lụt, thiên tai, môi trường... cho người dân theo hướng cá nhân hóa”, ông Thạch cho biết thêm.