Đợt Tết Dương lịch 2023 sắp tới, người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày. Khác với Tết Nguyên đán khi đa số mọi người có xu hướng về đoàn tụ với gia đình, Tết Dương lịch lại là dịp phù hợp để nhiều người lên kế hoạch tự lái xe đi du lịch, khám phá những miền đất mới cùng người thân, bạn bè.
Hiện nay, ở khu vực miền núi phía Bắc đang có một đợt không khí lạnh tăng cường, băng tuyết đã xuất hiện ở nhiều nơi khiến không ít người tỏ ra thích thú. Nhiều nhóm bạn đã lên kế hoạch tự lái xe đi các tỉnh phía Bắc để được trực tiếp chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên này.
Tuy vậy, băng tuyết xuất hiện trên các đoạn đường đèo dốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Với đa số lái xe Việt Nam, việc đi trên băng tuyết còn khá lạ lẫm dẫn tới lúng túng trong xử lý. Một phần do chúng ta ít có cơ hội lái xe trong điều kiện này, và một phần vì hầu hết ô tô tại Việt Nam không phù hợp để di chuyển trên đường có băng tuyết.
Dưới đây là một số kinh nghiệm của các chuyên gia khi lái xe trên đường có băng tuyết:
Chọn chiếc xe và chế độ lái phù hợp
Để chinh phục những cung đường có hiện tượng băng tuyết, bạn nên chọn sử dụng một chiếc xe phù hợp, tốt nhất là xe SUV hoặc bán tải có hệ dẫn động 2 cầu, bởi những chiếc xe như vậy sẽ giúp tài xế dễ bám đường và xử lý tình huống địa hình khó tốt hơn xe gầm thấp.
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các chế độ lái của xe. Trên một số mẫu xe đời mới hoặc xe nhập khẩu hiện nay có chế độ đi trên băng tuyết, đây là lúc chiếc xe của bạn phát huy hết khả năng của mình trên loại địa hình mới mẻ này.
Cẩn thận với "băng đen"
Băng đen (Black Ice) là một trong những hiện tượng nguy hiểm nhất cho việc lái xe. Khác với tuyết trắng, nước bị đóng băng có màu trong suốt và dễ lẫn với mặt đường tối màu nên rất khó nhận ra.
Lớp băng mỏng trên đường khiến cho lốp xe mất đi độ bám và trượt đi. Đây cũng là mối nguy hiểm rất lớn cho cánh lái xe khi phải đi qua những cung đường có nhiệt độ thấp trên dưới 0 độ C.
Để xác định được đoạn đường có "băng đen" hay không, cần xuống kiểm tra bề mặt đường khi thời tiết ngoài trời dưới 0 độ C. Nếu trên bề mặt đường có lớp băng mỏng, độ bám kém thì nên hết sức cẩn thận vì lúc này đường sẽ rất trơn.
Chú ý quan sát vệt bánh xe
Những người có kinh nghiệm cho rằng, khi đi "săn tuyết" nên đi theo đoàn nhưng vẫn giữ khoảng cách vừa đủ, tránh bám đuôi quá gần sẽ mất an toàn. Xe sau nên quan sát kỹ và đi vào vệt bánh xe phía trước.
Lái xe nên chọn các phần đường sáng màu hoặc có cát, sỏi, tuyết,... tránh phần đường tối màu bởi có thể đó chính là "băng đen" sẽ rất trơn.
Tránh đánh lái nhanh, phanh gấp
Đa số xe ô tô ở Việt Nam chỉ gắn loại lốp thường chứ không sử dụng loại lốp mùa đông. Chính vì thế, nếu phải đi vào những cung đường có băng tuyết thì độ bám đường rất kém, bánh xe lúc này sẽ bị trượt nhiều hơn lăn.
Để hạn chế điều này, các chuyên gia khuyên bạn nên hạn chế tối đa đánh lái và phanh quá gấp, vì điều này sẽ khiến xe bị mất lái rất nguy hiểm.
Xịt bớt hơi của lốp xe
Một kinh nghiệm hay mà nhiều lái xe mách nhau khi đi trên đường có băng tuyết đó là xịt bớt hơi trong lốp xe đi, bởi khi lốp non, diện tích tiếp xúc với mặt đường lớn hơn sẽ làm tăng ma sát, giảm sự trơn trượt.
Ngoài những kinh nghiệm trên, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất khi lái xe là bạn cần giữ được thái độ bình tĩnh để xử lý tốt trong mọi tình huống. Khi gặp băng tuyết, nên lái thật chậm, sử dụng số thấp, đồng thời tránh "ăn thua" và tăng ga vượt xe khác khi không đảm bảo an toàn.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!