Tại Hội nghị “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022” do Anphabe tổ chức chiều ngày 9/11, báo cáo khảo sát từ gần 60.000 người đi làm, hơn 500 doanh nghiệp trong nước đã được công bố.
Thu nhập người lao động tăng
Theo báo cáo trên, so với năm 2021, dù tình hình kinh doanh năm 2022 còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn. Cụ thể, tính tới tháng 9/2022, có 56% người lao động được tăng lương; 38% giữ nguyên; chỉ có 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định.
Còn trong năm 2021, chỉ có 35% người lao động được tăng lương; số bị giảm lương/lương không ổn định lên tới 15%.
Khảo sát nhân sự của Anphabe với các Giám đốc Nhân sự cũng dự báo mức tăng lương trung bình cho năm 2023 là 12%, tiếp tục tốt hơn năm nay. Thêm nữa, dù tình hình kinh tế có những khó khăn mới, nhưng nhiều doanh nghiệp đã làm tốt hơn vai trò xây dựng chiến lược và định hướng tương lai. Bằng chứng là Chỉ số niềm tin của nhân viên vào tầm nhìn, chiến lược của công ty đã tăng lên ngưỡng 75% vào thời điểm tháng 9/2022 so với mức thấp kỷ lục 44% của quý III/2021, khi tình hình dịch bệnh và kinh doanh rất căng thẳng.
Người đi làm Việt Nam đang ngày càng stress
Tuy nhiên, theo báo cáo nói trên, doanh nghiệp Việt chưa thể vui mừng quá sớm bởi các kết quả khảo sát chuyên sâu từ Anphabe cũng ghi nhận cảnh báo về tình trạng stress ở người đi làm đang khá trầm trọng và ngày càng gia tăng. Cụ thể, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên.
Trong đó, ngành Sản xuất/Vật liệu xây dựng và Ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên stress đông nhất, tiếp theo là các ngành Sản xuất/Hóa chất; Dược/Chăm sóc sức khỏe; Xây dựng/Kiến trúc. Xét theo cấp phòng ban, stress nhiều nhất là phòng quản lý chất lượng QA/QC (cứ 2 người sẽ có 1 người stress từ thường xuyên tới rất thường xuyên), sau đó là ban lãnh đạo, quản lý chiến lược. Ngoài ra nhóm nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng có tỷ lệ stress khá cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, xoay quanh 4 nhóm yếu tố chính là: Tài chính và gia đình; Tính chất công việc; Môi trường và điều kiện làm việc; Quan hệ công sở.
Khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022" được thực hiện từ tháng 4-9/2022 với sự tham gia bình chọn của 57.939 người đi làm, 515 công ty và các khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu với khoảng 150 lãnh đạo và quản lý nhân sự ở 20 ngành nghề chính.
Theo báo cáo khảo sát, stress chính là "sát thủ vô hình" giết chết động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với doanh nghiệp. Khi tần suất stress càng cao, nỗ lực tự nguyện cống hiến cho công việc và cam kết gắn bó với công ty càng suy giảm. Kết quả khảo sát ghi nhận, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao hơn 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị stress.