Người dân có nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao nếu ăn phải thực phẩm nhiễm salmonella, staphylococcus... hay thực phẩm đã bị biến đổi. 6 nguyên tắc bảo quản thực phẩm sau có thể bảo vệ bữa ăn của mỗi gia đình.
1. Rửa tay sạch trước khi sơ chế, chế biến thực phẩm
Tay bẩn là một trong những cách phổ biến nhất khiến thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, phải rửa tay sạch trước khi sờ hoặc chạm vào thực phẩm.
Trong quá trình chế biến, bạn nhớ rửa tay sạch sau khi bạn chạm vào thực phẩm sống rồi mới chạm vào thực phẩm đã được làm chín, tránh nhiễm khuẩn chéo
2. Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn giữa các lần sử dụng
Việc này có thể phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn chéo.
Không nên để thịt sống tiếp xúc với các thực phẩm khác và thực phẩm đã nấu chín. Nên sử dụng hai loại thớt riêng biệt cho thực phẩm sống và chín. Hạn chế sử dụng thớt gỗ vì đây là môi trường tốt cho vi sinh vật trú ngụ và phát triển.
3. Trái cây và rau quả cần được rửa sạch
Không chỉ thịt, cá và các sản phẩm từ động vật mới có thể chứa vi khuẩn. Trái cây và rau củ quả tươi cũng có thể có vi khuẩn gây hại và cần được rửa sạch trước khi ăn.
4. Giữ thực phẩm trong tủ lạnh
Lưu trữ thực phẩm trong ngăn mát của tủ lạnh để có thể bảo quản thực phẩm tốt hơn. Tách biệt các loại thịt với thực phẩm khác bằng cách cho vào túi nhựa hoặc hộp nhựa kín, giữ lạnh để không bị hư hỏng trước khi chế biến.
Bạn không nên ăn thịt đã nấu chín hoặc sản phẩm từ sữa sau khi đã bỏ ra khỏi tủ lạnh hơn hai giờ.
5. Xử lý thực phẩm còn thừa
Không nên để bên ngoài quá 2 giờ với những thực phẩm đã được chế biến và thừa lại sau bữa ăn. Thức ăn này có thể bị nhiễm khuẩn và làm biến đổi, gây ngộ độc khi sử dụng lại.
Bạn hãy bỏ những thực phẩm còn thừa này vào từng hộp và giữ chúng ở trong tủ lạnh, đông lạnh để kéo dài thời gian bảo quản hơn.
6. Loại bỏ thực phẩm nếu nghi ngờ bị hỏng
Khi bạn nghi ngờ thực phẩm chuẩn bị sử dụng có thể đã bị nhiễm khuẩn và hỏng, hãy mạnh dạn bỏ chúng đi. An toàn thực phẩm cần đặt lên hàng đầu.
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3