Sáng 18/2, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, Đoàn cứu nạn quốc tế của Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành công tác tìm kiếm cứu nạn và đang trên đường về nước.
Sau 7 ngày, Đoàn đã phối hợp đưa 1 nạn nhân còn sống ra khỏi khu vực đổ sập, 14 thi thể bị vùi lấp ra ngoài cho lực lượng y tế địa phương. Bên cạnh việc cứu nạn, đoàn cũng trao tặng nhiều trang thiết bị y tế cho nước sở tại.
Nỗ lực không ngừng tìm sự sống trong đống đổ nát
Sau chặng bay dài từ Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ, 24 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH - C07) bắt tay ngay vào công việc.
Theo sự sắp xếp của Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), lực lượng cứu hộ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại TP Adiyaman, nơi có 70% công trình, nhà cửa bị sập đổ và còn nhiều người bị mắc kẹt.
3 giờ ngày 11/2, khi vừa đặt chân đến địa điểm cứu nạn là tòa nhà 3 tầng trên đường 531, Adiyaman Merkez, được xác định có 10 người bị vùi lấp, các chiến sĩ đã xuyên đêm khảo sát hiện trường.
“Mặc dù chúng tôi đã tìm hiểu tình hình khá kỹ nhưng khi sang tới nơi, tận mắt chứng kiến mới thấy cảnh tượng tan hoang đến khủng khiếp”, Đại tá Khương kể lại.
Trong suốt ngày đầu tiên tìm kiếm tại Thổ Nhĩ Kỳ, 2 nhóm của Đoàn cứu nạn Việt Nam liên tục thay nhau làm việc không ngừng nghỉ. Đến 18h30 cùng ngày, lực lượng cứu nạn Việt Nam phát hiện dấu hiệu của sự sống trong khu vực sập đổ.
5 tiếng sau, điều kỳ diệu đã xảy ra, 1 nạn nhân 14 tuổi được lực lượng cứu nạn Việt Nam và Pakistan đưa ra khỏi đống đổ nát an toàn sau 6 ngày mắc kẹt.
“Lúc đó, chúng tôi như vỡ òa sung sướng, mọi nỗ lực đào bới, dọn hàng trăm tấn bê tông để tiếp cận nạn nhân đã có kết quả”, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết.
Do đoàn cứu nạn của ta hoạt động chuyên nghiệp và có nhiều thiết bị hiện đại nên cơ quan điều phối tìm kiếm cứu nạn địa phương liên tục đổi địa điểm cứu nạn với hy vọng tìm được người còn sống sót.
Vượt lên khó khăn
Sự khắc nghiệt của thời tiết với nền nhiệt luôn dao động từ -6 đến -10 độ C, chênh lệch múi giờ và thiếu thốn các điều kiện sinh hoạt là trở ngại với các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ khi thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại úy Vũ Duy Hưng, cán bộ Trung tâm huấn luyện và ứng phó về PCCC&CNCH cho biết, mỗi ngày mọi người chỉ ăn hai bữa.
“Tôi làm ca sáng thì sẽ ăn mì tôm với thịt hộp. Đến chiều, các bạn Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ một chút bánh mì khô và nước lọc. Kết thúc công việc, đến tối chúng tôi mới ăn bữa thứ hai”, Đại úy Vũ Duy Hưng nói.
Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội CNCH (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM) chia sẻ, trong 7 ngày qua, anh em trong đoàn chưa ai được tắm.
“Do ảnh hưởng nặng nề của trận động đất, hệ thống nước sạch ở các nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của đoàn công tác đều bị hạn chế. Xác định nguồn nước có hạn, anh em đều sử dụng một cách tiết kiệm, hạn chế nhu cầu vệ sinh cá nhân”, Trung tá Nguyễn Chí Thành kể.
Nhiều đồ dùng sinh hoạt được các chiến sĩ cứu nạn sáng chế ngay từ các đồ đạc bị hỏng sau trận động đất. Có thể kể đến vòi hoa sen được chế bằng vỏ bình nước khoáng loại 20 lít, bồn cầu di động từ chiếc ghế đã hỏng và nổi tiếng nhất là chiếc bếp dã chiến làm từ vỏ thùng phuy cũ để đốt củi, sưởi ấm.
Thậm chí, lực lượng cứu nạn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đến nhờ đoàn ta chế tạo giúp một chiếc.
“Khi phải làm việc liên tục cả ngày giữa thời tiết giá lạnh thì chiếc bếp củi để sưởi ấm giúp lực lượng cứu nạn cứu hộ giữ được sức khỏe”, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Những món quà bất ngờ giữa hiện trường cứu nạn
Khi thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn cứu nạn quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã nhận được những lời cảm ơn, những món quà hết sức mộc mạc từ người dân địa phương.
Ngày 14/2, trong quá trình đi lấy củi để đun nấu, các chiến sĩ cứu nạn tình cờ gặp các Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên có phút giao lưu ngắn ngủi. Các bạn Thổ Nhĩ Kỳ cảm ơn các chiến sĩ cứu nạn Việt Nam dù ở rất xa nhưng đã đến để hỗ trợ đất nước họ, đồng thời tặng món quà đặc biệt là những quả cam, quả lê cho đồng nghiệp Việt Nam.
Trước đó, dù không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng một cô gái Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn nói lời cảm ơn đến đoàn công tác.
"Tôi rất cảm ơn vì các bạn đã đến đây giúp đỡ, giữ lại sự sống. Nếu chẳng may Việt Nam có xảy ra thiên tai, chúng tôi chắc chắn cũng sẽ lên đường giúp đỡ", cô gái nói.
Đáp lại, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ: "Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ hữu nghị. Chính vì vậy, khi có sự cố xảy ra với các bạn, chúng tôi sẵn sàng lên đường. Chúng tôi không bao giờ muốn có thảm họa, thiên tai xảy ra, nhưng chúng tôi rất muốn mời người dân Thổ Nhĩ Kỳ sang thăm Việt Nam chúng tôi, đất nước tươi đẹp và mến khách".