Ngày mai, 29/4, gia đình tôi sẽ đi du lịch tới Vũng Tàu hưởng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và giỗ tổ Hùng Vương. Ngoài thuốc say xe, chúng tôi nên chuẩn bị những loại thuốc nào cho yên tâm, đặc biệt là cho trẻ nhỏ? (Quỳnh Thương, Hải Dương)
Bác sĩ Đào Trường Giang, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), chia sẻ:
Một số loại thuốc, dụng cụ các gia đình có thể chuẩn bị trước khi đưa trẻ đi du lịch, hoặc về quê nghỉ lễ, nhất là về những nơi khó đi khám, mua thuốc. Các loại thuốc được chuẩn bị có thể thay đổi tùy điều kiện từng gia đình.
Trong đó, 8 loại thuốc, vật dụng y tế rất nên chuẩn bị và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng:
- Khẩu trang vừa tránh lây bệnh, vừa bảo vệ đường hô hấp; dung dịch sát khuẩn tay.
- Nhiệt kế: Có thể sử dụng loại thủy ngân hay điện tử. Nên dùng loại điện tử đo nách vì nhanh, an toàn.
- Thuốc hạ sốt: Có 2 loại chính là Paracetamol, và Ibuprofen với nhiều dạng bào chế (gói, siro pha sẵn, viên uống, viên đặt hậu môn …) và có nhiều hàm lượng.
Gia đình có trẻ em nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn, chủ động dùng thuốc khi người nhà sốt trên 38 độ C.
- Men vi sinh thường dùng khi bé bị tiêu chảy.
- Thuốc ho.
- Nước muối sinh lý, nước muối biển dùng cho bé viêm mũi.
Thuốc xịt mũi họng, nước muối sinh lý rửa mũi họng hay vết thương, thuốc nhỏ mắt nên được chuẩn bị sẵn. Natri clorid 0,9% nhỏ mắt trong các trường hợp khô mắt, cảm giác khó chịu, dùng để rửa mắt do bụi, rửa trôi các dị vật nhỏ bám vào mắt, làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi. Có thể nhỏ 5-6 giọt/lần hoặc nhỏ nhiều lần trong ngày khi cần thiết.
- Bù nước, điện giải: Oresol, Hydrite gói hoặc lọ pha sẵn dùng cho bé bị tiêu chảy hoặc sốt cao liên tục kéo dài.
Gia đình cũng nên chuẩn bị nhiều gói oresol để đề phòng trong nhà có nhiều người cùng bị tiêu chảy, sốt, nôn. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn, tránh pha đặc hay loãng làm mất tác dụng của thuốc. Nếu oresol được pha đặc quá sẽ làm người bệnh nạp quá nhiều muối (natri) khiến lượng muối trong máu tăng cao. Nguy hiểm hơn có thể gây ra các triệu chứng như: co giật, hôn mê, tổn thương não nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
- Bông, băng, gạc, cồn, kéo, Povidol sát khuẩn,… dùng cho bé hay người bị trầy xước, vết thương.
Nếu trước đây bé hay ốm, sốt (tùy trường hợp), một số thuốc nên chuẩn bị nhưng bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng:
- Kháng sinh dùng cho trường hợp nhiễm khuẩn
- Thuốc nhỏ, xịt mũi co mạch dùng khi bị ngạt mũi quá, không thở bằng mũi được khi đã dùng các biện pháp khác.
- Điều trị hen, khò khè: Máy khí dung, thuốc khí dung khi bé lên cơn hen, khò khè
- Thuốc chống dị ứng.
Với các em bé có bệnh lý đặc biệt, cha mẹ cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ để chuẩn bị hợp lý, tránh lãng phí.
Ngoài ra, người lớn nên chuẩn bị dự phòng sẵn các thuốc điều trị đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, hỗ trợ tình huống người nhà xuất hiện triệu chứng khó chịu mà chưa đến mức nhập viện. Người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, khớp cần chú ý theo dõi đường huyết, huyết áp và tuân thủ chế độ dùng thuốc như ngày thường. Người bệnh cần chuẩn bị sẵn lượng thuốc đủ dùng.
Khi mua thuốc, bác sĩ khuyên người dân nên nhờ tư vấn của thầy thuốc, ghi rõ hướng dẫn cách sử dụng. Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ vài ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài, cần đi khám.