Sau khi báo VietNamNet có bài viết “Sàn exness tham gia hoạt động ngoại hối tại Việt Nam là bất hợp pháp” đề cập tới những bất cập ở phần nạp tiền vào tài khoản trên sàn exness thông qua chuyển khoản ngân hàng, đơn vị liên quan trực tiếp là công ty Cổ phần 9Pay đã có công văn phản hồi gửi đến báo. Đơn vị này cho biết chỉ đóng vai trò là bên cung cấp dịch vụ Cổng thanh toán cho đối tác, thực hiện hỗ trợ xử lý thanh toán thông qua hệ thống theo yêu cầu. Bên cạnh đó, trong thỏa thuận hợp tác, công ty được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của đối tác.
Sau một thời gian cung ứng dịch vụ, đơn vị đã chủ động thực hiện rà soát định kỳ việc tích hợp Cổng thanh toán 9Pay trên website/ứng dụng cho các đối tác và phát hiện sự việc như báo đã phản ánh. Ngay sau đó, ngày 13/10/2023, đơn vị này đã thực hiện thanh lý hợp đồng và ngừng cung cấp dịch vụ. Kể từ thời điểm này, 9Pay không có bất kỳ liên quan nào tới hình thức dịch vụ này”.
Công văn cũng nêu rõ, 9Pay ở phía bị hại, bị đơn vị khác lợi dụng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp mà chưa kiểm soát được.
Bên cạnh 9Pay, một đơn vị khác trong nước cũng xuất hiện trong hình thức nạp tiền trên sàn forex exness là ví điện tử Ngân Lượng. Hiện đơn vị này cũng đã có phản hồi và cho biết, “qua kiểm tra, rà soát đây là các giao dịch chuyển tiền của ví điện tử cá nhân. Sau khi nhận được phản ánh của báo chí, Ngân Lượng đã tiến hành khóa, phong tỏa tài khoản và yêu cầu chủ ví giải trình”.
Theo quy định pháp luật hiện hành và các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hiện nay trong lĩnh vực thanh toán, đã nghiêm cấm các hành vi sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử để thực hiện giao dịch thanh toán cho mục đích bất hợp pháp.
Cụ thể, theo Thông tư 39/2014/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung) về dịch vụ trung gian thanh toán quy định: nghiêm cấm việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử.
Thông tư 23/2014/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung) về mở và sử dụng tài khoản thanh toán quy định: nghiêm cấm việc sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán.
Tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN năm 2021 về việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng: TCTD phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT giám sát, kiểm tra, rà soát các giao dịch thẻ phát sinh nhằm ngăn chặn giao dịch thẻ không phù hợp quy định của pháp luật (liên quan đến hoạt động trò chơi có thưởng, cờ bạc, cá độ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, tiền ảo, tiền điện tử...).
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường ngăn chặn việc sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử để thực hiện mục đích vi phạm pháp pháp luật, trong đó: Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho người sử dụng không để bị lừa đảo, lôi kéo tham gia vào các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối quốc tế; Tăng cường triển khai giám sát, kiểm soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ nhằm ngăn chặn sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử để chuyển tiền, thanh toán cho các hoạt động đầu tư bất hợp pháp....
Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng (sửa đổi, bổ sung) đã quy định về xử phạt các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán về các hành vi, “thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác”.