Tự hào là người Việt Nam

Sau thời gian dài sinh sống tại Maldives, Phnom Penh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan), Nguyễn Thị Hồng Ngọc (SN 1990, quê Hoài Đức, Hà Nội) cùng chồng và 2 con nhỏ chuyển đến Mỹ. Di chuyển liên tục nhưng không khi nào Hồng Ngọc gián đoạn quá trình dạy các con học tiếng Việt.

Dù ở bất cứ quốc gia nào, Ngọc và 2 con tên Smith Lily Linh (7 tuổi), Smith Lawrence Long (4 tuổi) đều tự hào là người Việt Nam. Cũng vì lý do này, mẹ trẻ cố gắng dạy các con học tiếng Việt ngay khi 2 bé còn rất nhỏ. 

Hồng Ngọc trò chuyện mỗi ngày với con bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh từ lúc các bé mới lọt lòng. Thời gian này, mỗi khi trò chuyện với các bé, Ngọc sẽ sử dụng cả 2 ngôn ngữ Anh-Việt.

tieng-viet-4.jpg
Hồng Ngọc luôn tự hào mình là người Việt và ý thức việc dạy tiếng Việt cho 2 con từ lúc các bé mới lọt lòng

Khi con được 2 tuổi, có thể phân biệt được 2 ngôn ngữ khác nhau, Ngọc dừng việc trò chuyện bằng tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Anh. Thay vào đó, tùy hoàn cảnh, mẹ trẻ sẽ giao tiếp với 2 bé bằng tiếng Anh hoặc chỉ sử dụng tiếng Việt.

Hồng Ngọc giải thích: “Vì sinh sống ở nước ngoài, chúng tôi xem tiếng Anh như ngôn ngữ gia đình. Khi có bố các bé ở nhà hoặc lúc cả gia đình ra ngoài, đến nơi công cộng không có người Việt, chúng tôi sẽ sử dụng tiếng Anh.

Tuy nhiên, khi ở nhà, chỉ có tôi và các bé, tôi sẽ sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với các con. Việc này nhằm mục đích giúp con tiếp xúc thường xuyên và cảm thấy tiếng Việt gần gũi hơn”.

Quá trình dạy tiếng Việt cho 2 con của Ngọc vấp phải nhiều khó khăn. Do môi trường sống chủ yếu sử dụng tiếng nước ngoài nên Lily Linh, Long có xu hướng trò chuyện với bố mẹ bằng tiếng Anh nhiều hơn.

Yếu tố môi trường sống khiến các bé thường trao đổi, đáp lời Ngọc bằng tiếng Anh mỗi khi 3 mẹ con trò chuyện bằng tiếng Việt, dù cả hai hoàn toàn hiểu những gì mẹ nói. Các bé chỉ chủ động nói tiếng Việt khi trò chuyện với ông bà ở Việt Nam hoặc về nước.

tieng-viet-1.jpg
Không chỉ trò chuyện với con bằng tiếng Việt, Ngọc còn mua sách tiếng Việt, đem qua Mỹ dạy cho các con

Nhận thấy phản xạ này, Hồng Ngọc lập tức có ý thức giữ gìn tình yêu, vốn tiếng Việt cho các con bằng nhiều cách. Chị chia sẻ: “Trước đó, tôi nghĩ các con có mẹ là người Việt, dùng tiếng Việt thì thế nào các bé cũng sẽ biết tiếng Việt.

Nhưng sau đó, tôi nhận ra đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi, ngôn ngữ phải được sử dụng, rèn luyện thường xuyên. Do đó, tôi sửa sai bằng cách cố gắng trò chuyện bằng tiếng Việt với các con nhiều hơn. Khi con đáp lại bằng tiếng Anh, tôi cũng sẽ trả lời bằng tiếng Việt để con có thể nhắc lại theo mẹ”.

Ngoài ra, Ngọc cố gắng mua nhiều sách, truyện tiếng Việt để đọc cho các con nghe vào mỗi buổi tối. Ngọc còn xin lại sách tiếng Việt tại Việt Nam để dạy cho 2 con của mình. 

Lan toả tình yêu quê hương

Đặc biệt, mẹ trẻ còn sáng tác thơ bằng tiếng Việt để tặng các con, giúp các con tập đọc. Bởi, mỗi khi Ngọc nói đây là những bài thơ do mẹ sáng tác, Lily Linh và Long luôn thích thú và cảm thấy gần gũi, tự hào. 

Bằng cách này, bé Long có thể hát Quốc ca Việt Nam từ năm 2 tuổi. Đến nay, các bé có thể trò chuyện với mẹ và ông bà ngoại, thậm chí đọc thơ, chúc Tết bằng tiếng Việt.

Không chỉ có ý thức dạy tiếng Việt cho 2 con, Hồng Ngọc còn cố gắng cho con tiếp cận, hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Với Ngọc, ngôn ngữ gắn liền với văn hóa của một quốc gia. 

tieng-viet-2.jpg
9X cũng tìm cách để 2 con trải nghiệm văn hóa cổ truyền của quê hương Việt Nam

Khi dạy tiếng Việt cho con, chị cũng cố gắng giới thiệu, cho con trải nghiệm văn hóa quê hương. Mỗi tối, ngoài việc đọc sách, truyện tiếng Việt cho con nghe, Hồng Ngọc còn cho các bé xem các hình ảnh về đường phố, món ăn, ngày lễ, hội truyền thống của Việt Nam…

Đặc biệt, Ngọc luôn muốn 2 con được trải nghiệm không khí của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Do đó, vào ngày này, Ngọc thường cố gắng tổ chức các hoạt động thường có trong ngày Tết.

Chị mở nhạc xuân, cùng các con làm đồ trang trí Tết. Ngọc cũng sáng tác thơ Tết, lời chúc Tết bằng tiếng Việt để các con đọc tặng ông bà.

Hồng Ngọc tâm sự: “Ngày Tết, tôi cho các con mặc áo dài rồi gửi lời chúc ông bà, bố mẹ bằng tiếng Việt. Sáng mùng 1 Tết, các con được nhận lì xì, cắt bánh chưng và ăn các món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam.

tieng-viet-3.jpg
Mỗi khi về Việt Nam, Ngọc đưa 2 con đến quảng trường Ba Đình để xem lễ chào cờ, hạ cờ

Sau đó, các con được mặc áo dài đi chơi, mang lì xì đi tặng các bạn. Tôi cũng đưa con đi xem múa lân, dù không đặc sắc như ở Việt Nam nhưng đó cũng là trải nghiệm đáng quý”.

Để 2 con giỏi tiếng Việt và thêm yêu Việt Nam, Hồng Ngọc cố gắng kiếm cơ hội cho 2 bé về nước thăm ông bà. Mỗi lần như thế, chị cũng tạo điều kiện cho các bé tiếp xúc, giao lưu với những đứa trẻ cùng trang lứa ở quê.

Các trải nghiệm này giúp Lily Linh và Long nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt. Thậm chí bé Lily Linh đã có thể đọc được các sách, tài liệu đơn giản bằng tiếng Việt. 

Ngọc chia sẻ: “Song song với dạy tiếng Việt, tôi cũng lan tỏa niềm tự hào, tình yêu quê hương Việt Nam của mình cho các bé. Khi Lawrence Long được 2 tuổi, tôi đã dạy bé chào cờ và thuộc lòng Quốc ca Việt Nam.

Tôi cũng cố gắng thu xếp cho các con về Việt Nam thăm quê. Lần nào về Hà Nội, tôi cũng đưa các bé đi xem lễ chào cờ, hạ cờ ở quảng trường Ba Đình. Cảm giác lúc ấy thiêng liêng lắm. 

Có lẽ vì thế mà khi được hỏi con là người nước nào, Lily Linh đều trả lời là người Việt Nam trước. Nếu được hỏi thêm, bé mới trả lời là người Mỹ”.

Quang Phong và nhóm PV, BTV