Anh Lương Thành Đức quê Nghệ An hiện sống cùng vợ con tại thung lũng Vilcabamba thuộc tỉnh Loja, Ecuador. Anh là người Việt Nam duy nhất có mặt ở Vilcabamba, nơi được nhiều người biết đến với tên gọi thung lũng trường sinh, thung lũng bất tử…
Ở nơi đây, ngoài trải nghiệm cuộc sống hoà với thiên nhiên, anh còn có "sứ mệnh" lan toả tới những người bạn quốc tế và dạy con gái 1 tuổi rưỡi nói lưu loát tiếng Việt.
Theo bạn gái người Mỹ về vùng đất "bất tử"
Thung lũng Vilcabamba nằm lưng chừng dãy núi Andes thuộc tỉnh Loja. Nơi đây có khoảng 50% người bản địa, còn lại đều đến từ các quốc gia khác. Cư dân đa văn hóa, sống cùng nhau, tạo thành cộng đồng ở ngôi làng nhỏ, đẹp như tranh vẽ.
Anh Đức đặt chân đến vùng đất tuyệt vời này vào năm 2022. Từ đó đến nay, anh có rất nhiều trải nghiệm thú vị, sống tối giản giữa rừng núi, chim muông.
Chuyến xê dịch lớn nhất cuộc đời anh có sự đồng hành của người vợ, Hanna Larsen (quốc tịch Mỹ). Ý tưởng sống hòa vào thiên nhiên thường được Hanna nhắc đến lúc cả hai bước vào yêu.
Đến khi mang thai, Hanna càng mong ước sống và sinh con tại vùng đất có khí hậu trong lành. Vì vậy, cô quyết định đến thung lũng Vilcabamba sinh con. Hanna đến trước, anh Đức vướng dịch bệnh và thủ tục giấy tờ, đành đến sau.
Anh Đức kể: “Sang Ecuador, vợ chồng tôi thuê một căn nhà gỗ nhỏ xinh, gần sông, gần rừng. Hàng ngày, gia đình tôi bơi ở sông, đi dạo trong rừng.
Vợ tôi ăn uống thuần chay, còn tôi cũng sống rất tối giản. Vì vậy, nhu cầu chi tiêu không nhiều, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết.
Người dân sống ở thung lũng rất chan hòa, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau như một gia đình lớn. Mọi người thường gặp nhau, vui chơi, nhảy múa”.
Căn nhà thuê có những cây ăn trái mọc hoang đầy vườn. Cho nên, vợ chồng anh Đức chỉ tốn công chăm sóc và thu hoạch.
Cuối tuần, cả hai cùng nhau thu hoạch các loại rau củ, trái cây trong vườn nhà. Sau đó, Hanna sẽ mang chúng ra chợ đổi lấy rau, trái cây mà vườn nhà không có để bữa ăn thêm phong phú.
Gia đình anh Đức chọn cách trao đổi quần áo cũ, vật dụng thiết yếu với người dân trong vùng. Họ bỏ ra một ít chi phí để mua những thứ không thể trao đổi, chỉ mua được ở cửa hàng.
Dạy con gái nói tiếng Việt
Sống tối giản, thuận tự nhiên, Hanna và anh Đức vẫn chăm chỉ làm việc. Hanna quản lý trang web về ăn chay và thỉnh thoảng nhận làm huấn luyện viên lối sống, mở workshop chia sẻ về sức khỏe và hướng dẫn ăn chay.
Anh Đức quản lý công việc kinh doanh tại Việt Nam từ xa. Nếu có thời gian rảnh, anh nhận dạy nhảy cho mọi người. Anh còn có sở thích chinh phục những ngọn núi xung quanh khu vực anh đang sống.
Vợ chồng anh dành nhiều thời gian dạy học cho con gái 1 tuổi rưỡi. Cả hai đưa bé khám phá môi trường tự nhiên, vui chơi bên hoa lá và cây cỏ.
Anh Đức bắt đầu dạy tiếng Việt cho con gái từ lúc 9 tháng tuổi. Trước đó, anh thường hát những ca khúc tiếng Việt cho con gái nghe, ru bé ngủ.
Vợ chồng anh dự định dạy bé 3 ngôn ngữ. Trong đó, anh nói chuyện bằng tiếng Việt, Hanna nói tiếng Anh với bé trong giao tiếp hàng ngày. Khi ra ngoài chơi, bé học được thêm tiếng Tây Ban Nha từ những người bạn nhỏ.
Anh Đức cho biết, việc con gái có thể nói và hiểu nhiều ngôn ngữ khác nhau sẽ giúp não của bé phát triển toàn diện hơn. Điều này còn giúp bé có cơ hội học hỏi nhiều nền văn hóa khác nhau.
Giai đoạn bé từ 1 - 5 tuổi là thời điểm vàng dễ tiếp thu nhiều ngôn ngữ. Thế nên, vợ chồng anh muốn tận dụng khoảng thời gian này để dạy bé đa ngôn ngữ.
“Bây giờ, bé đã hiểu nhiều khi tôi nói tiếng Việt với bé. Tuy nhiên, bé mới chỉ phát âm được những từ đơn giản như: Bố ơi, mẹ ơi, ăn cơm, đi chơi, ô tô, xe máy…
Nơi tôi sống không có người Việt nào cả. Hàng ngày, tôi trò chuyện chủ yếu với vợ bằng tiếng Việt, lâu lâu lại nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Từ lúc em bé bập bẹ nói tiếng Việt, gia đình tôi thêm rộn ràng, hạnh phúc. Mỗi lần bé nói được từ mới, vợ tôi xúc động, rơi nước mắt. Cô ấy dành tình yêu đặc biệt cho tiếng Việt”, anh Đức chia sẻ.
Trong số bạn bè quốc tế của anh Đức, một số bạn thích học tiếng Việt. Họ thường nhờ anh hướng dẫn những câu chào hỏi bằng tiếng Việt.
Dù họ chỉ nói được một số câu giao tiếp cơ bản nhưng mỗi lần nghe bạn bè chào bằng tiếng Việt, anh Đức cảm thấy vui và tự hào.