Dẫu vậy, Chu Công Sơn (sinh năm 1990, Hà Nội) thừa nhận mình không phải là “con nhà người ta” trước khi bước chân được vào cánh cổng Oxford, ngôi trường luôn giữ ở vị trí số 1 thế giới.

“Những năm cấp 3, tôi ham chơi, đam mê bóng rổ, thậm chí có không ít lần trốn tiết. Tôi cũng không giành bất kỳ thành tích, giải thưởng nào xuất sắc thời phổ thông”.

Nhưng có một điều anh luôn cảm thấy may mắn là bản thân có trí nhớ tốt và khả năng tiếp thu nhanh nếu chú tâm học hành. “Tôi có thể vừa xem tivi, vừa nghe nhạc và học thuộc 4 mặt giấy trong 15 phút”, Sơn kể. Nhờ đó, anh vẫn có kết quả học tập tốt trong những năm tháng phổ thông.

Sau khi thi đỗ vào Trường ĐH Giao thông Vận tải, Sơn giành được học bổng liên kết của trường với Đại học Sheffield Hallam (Vương Quốc Anh). Đây cũng là dấu ngoặt khiến anh có nhiều bước tiến trên con đường học thuật.

“Lần đầu tiên xa nhà, tôi nhận ra trong cuộc sống, nếu không có điểm gì nổi bật hơn người khác, bản thân sẽ rất khó để phát triển. Thú thực, lúc ấy tôi thấy mình chưa có thành tích gì, cũng không biết bản thân đang đứng ở đâu, vì thế, tôi quyết tâm phải học hành chăm chỉ để có thể cạnh tranh được với người khác”.

g45hth56j.jpg
Chu Công Sơn là người Việt đầu tiên trong hơn 250 năm theo học tại Harris Manchester College thuộc Đại học Oxford.

Nhờ sự nỗ lực, hai năm sau, Sơn tốt nghiệp thủ khoa bậc đại học, sau đó tiếp tục trở thành thủ khoa chương trình thạc sĩ tại Đại học Sheffield Hallam. Đây đều là những điều không tưởng ở thời điểm cậu sinh viên Việt Nam vừa “chân ướt, chân ráo” tới Anh du học.

“Nhưng có bao nhiêu lần trong đời, mình có cơ hội được ước mơ lớn. Giống như cố Thủ tướng Anh Winston Churchill từng chia sẻ: “Giờ không phải lúc dành cho những điều dễ dàng và thoải mái. Giờ là lúc để thách thức và can trường”. Câu nói ấy đã truyền động lực, giúp tôi can trường bước ra khỏi vùng an toàn của mình”, Sơn nói.

Sau đó, anh quyết định thử thách bản thân, nộp hồ sơ vào Đại học Oxford và được nhận vào bậc tiến sĩ. Anh trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên trong lịch sử hơn 250 năm của phân viện Harris Manchester.

Học tập trong ngôi trường hàng đầu thế giới, có nhiều điều làm thay đổi cách nhìn của Sơn. “Chẳng hạn khi tham gia Formal Dinner (bữa ăn tối trang trọng), tôi ấn tượng với cách dùng dao dĩa hay cung cách trên bàn ăn của những người bạn xuất thân quý tộc. Dù không nói nhiều về bản thân nhưng trong họ vẫn toát lên vẻ khác biệt, rất lịch thiệp, đúng mực, chuẩn chỉ. Tôi không tự ti về xuất thân của mình, nhưng cũng hiểu rằng nên nhìn vào cái hay, cái đẹp của họ để học hỏi và phát triển”.

Trong năm đầu học tại Oxford, Sơn “sốc” khi mọi thứ đều do bản thân phải tự học, tự tìm tòi. “Các giáo sư sẽ không cầm tay chỉ việc hay hướng dẫn các kiến thức cơ bản mà chỉ đề cập đến các môn, lĩnh vực để người học tự tìm đọc, nghiên cứu. Đó là lý do khiến Oxford luôn tuyển đầu vào là những người xuất sắc, tinh hoa”.

Có một điều may mắn, bản thân anh chưa từng thấy nản chí trước những khó khăn ấy. Trong quãng thời gian tại Oxford, anh Sơn lựa chọn hướng nghiên cứu liên quan đến việc ứng dụng của siêu vật liệu trong việc truyền dẫn thông tin trong môi trường dẫn điện.

Khác với các trường đại học top dưới, nghiên cứu đa phần được “nâng cấp” từ các nghiên cứu “kinh điển” trước đó, tại những trường hàng đầu như Oxford, giáo sư đều là “cha đẻ” của một lĩnh vực hẹp nào đó. Theo anh Sơn, đây là một lợi thế vì sẽ không có nhiều sự cạnh cạnh tranh. Cũng vì là người đầu tiên nghiên cứu ra cái mới, các nghiên cứu này đều sẽ được công nhận.

Một năm dưới sự hướng dẫn của giáo sư tại Đại học Oxford, các nghiên cứu của anh Sơn đều cho ra kết quả tốt. Trong quãng thời gian ở Oxford, anh có 6 bài báo đăng trên các tạp chí và 11 bài công bố tại các hội thảo quốc tế.

Người sáng chế cuộn dây RF dùng cho máy chụp cộng hưởng từ mạnh nhất thế giới

Hoàn thành xong luận án tiến sĩ vào năm 2020, anh Sơn tiếp tục trở thành nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Đại học Glasgow, chuyển hướng nghiên cứu sang lĩnh vực thiết bị y tế. Tại đây, anh trở thành người đầu tiên sáng chế thành công cuộn dây RF trị giá hơn 12 tỷ đồng, dùng để chụp não cho máy chụp cộng hưởng từ tại từ trường 11,7 Tesla.

Đây là loại máy cộng hưởng từ mạnh nhất dành cho người đến thời điểm hiện tại, được Pháp chế tạo và hoàn thiện trong suốt 20 năm. 9X người Việt được “đặt hàng” chế tạo ra cuộn dây RF vào đầu năm 2021.

Anh dò dẫm bước đi, không chỉ phải đảm bảo về tính hiệu quả mà còn cần tuân thủ các tiêu chuẩn y khoa nghiêm ngặt. Sau gần 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm, không ít lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, cuộn dây đầu tiên hoàn thành và được anh chuyển giao cho Pháp từ tháng 8/2022.

Nghiên cứu này của anh sau đó cũng được đăng tải trên trang bìa của tạp chí đầu ngành MRI – Magnetic Resonance in Medicine. Đến tháng 9/2023, anh tiếp tục bàn giao cuộn dây RF thứ 2 với những cải tiến đáng kể về cấu trúc, hiệu suất, tăng tín hiệu và giảm nhiễu.

Với những kết quả này, TS Chu Công Sơn nhận được lời mời nghiên cứu của Chính phủ Anh cho dự án phát triển máy MRI 11,7 Tesla tại Đại học Nottingham, dùng để chụp các phân tử carbon, phốt pho... Đây là dự án được Chính phủ cấp lên tới 38 triệu bảng.

IMG_3646.jpg
Anh là người đầu tiên sáng chế thành công cuộn dây RF dùng để chụp não cho máy chụp cộng hưởng từ tại từ trường 11,7 Tesla.

Nhìn lại hành trình đã đi qua, anh Sơn nhận thấy rằng việc có đi được đến thành công hay không vốn dĩ phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Bởi, cho dù vận tốc của mỗi người là khác nhau, nhưng nếu kiên trì, cứ đi rồi sẽ tới.

“Quan trọng bản thân phải chọn làm và sẵn sàng đầu tư thời gian cho những điều đó. Giống như tôi trước đây, ngày nào cũng miệt mài trên sân bóng rổ, nhưng tôi đã chọn việc chơi cho đến năm 21 tuổi. Sau đó, tôi dừng lại và bắt đầu học tiếng Anh để chuẩn bị cho hành trình du học, dẫu muộn hơn rất nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Nhưng cũng nhờ đó, tôi đã được ngồi trong căn phòng Einstein đã từng làm việc, ngắm nhìn tấm bảng đen huyền thoại về các phương trình kết nối giữa mật độ, độ tuổi và kích thước của vũ trụ, được thấy tấm bản đồ đầu tiên của Trung Địa được phác thảo bởi Tolkien”.

Dẫu con đường đi đến thành công chưa bao giờ dễ dàng, nhưng theo TS Chu Công Sơn, đó cũng không phải là một cánh cửa đóng chặt. Điều quan trọng nhất là bản thân không bỏ cuộc và “cứ đi rồi sẽ tới, cơ hội chắc chắn sẽ dành cho mình”.