Ngôi trường Lê Thanh Dũng, học sinh lớp 12A1 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ dự định theo học là Colby College, nằm ở bang Maine, Mỹ. Trường xếp thứ 25 trong bảng xếp hạng các trường đại học giáo dục khai phóng tốt nhất nước Mỹ (National Liberal Arts Colleges) năm 2024. Trong mùa tuyển sinh năm nay, tỷ lệ đỗ vào ngôi trường này chỉ khoảng 6%.
Ngoài suất học bổng hơn 8 tỷ đồng, Dũng còn nhận được thêm suất học bổng nghiên cứu Presidential Scholar trị giá 3.000 USD cùng đặc quyền được học các lớp Âm nhạc miễn phí trong năm đầu tiên. Trong lá thư chúc mừng Dũng, cô Phó Giám đốc kiêm Trưởng Hội đồng Tuyển sinh của Colby College viết: “Sự xuất sắc trong học tập và nỗ lực tạo ra những tác động tích cực ở trường học, cộng đồng đã khiến em nổi bật tại kỳ tuyển sinh mang tính cạnh tranh nhất lịch sử trường”.
Ngoài ngôi trường này, Dũng còn đỗ vào 10 trường đại học khác, trong đó có Đại học Toronto (top 1 của Canada) với suất học bổng 45000 CAD/năm, Đại học Adelaide (top 7 của Úc),...
Tuy nhiên, nam sinh mong muốn sẽ theo học tại Colby College vì cho rằng với đặc điểm chung của một ngôi trường giáo dục khai phóng, sinh viên sẽ được trải nghiệm những lĩnh vực khác nhau ngoài ngành học chính để phát triển linh hoạt, toàn diện hơn. Ngoài ra, trường cũng có nhiều chương trình cho phép sinh viên được trải nghiệm nghiên cứu và thực tập tại các quốc gia khác ngoài Mỹ.
Mong muốn có cơ hội trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới, từ năm cấp 2, Thanh Dũng đã ước ao được đi du học. Đến mùa hè năm lớp 10, nam sinh chính thức bắt tay vào việc làm hồ sơ. Tuy nhiên, Dũng thừa nhận tại thời điểm ấy, em khá mông lung và chưa biết gì về khái niệm “màu sắc cá nhân”. Vì thế, các hoạt động Dũng tham gia vẫn chỉ mang tính rải rác, không chuyên sâu vào một mảng nhất định.
Một lần, trong quá trình thực hiện chuyến đi tình nguyện kéo dài 7 buổi tới Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội, Dũng đã có cơ hội giao tiếp và lắng nghe câu chuyện của các bệnh nhân tại đây. Chính những mẩu chuyện ấy đã trở thành chất xúc tác và là “mồi keo” giúp nam sinh liên kết với câu chuyện của người bạn mình về chứng đa nhân cách, từ đó nhận ra niềm đam mê thực sự của bản thân dành cho lĩnh vực Tâm lý học.
Vốn yêu thích âm nhạc, trong bài luận gửi tới trường, Dũng kể về lần em tham gia vào một vở biểu diễn hòa ca, nhưng lại không được chọn vào vai diễn solo chính mà phải trở thành một giọng ca bè trầm. Điều này đã khiến em trở nên tự ti với giọng hát của mình trong một khoảng thời gian dài và nghi ngờ khả năng làm việc độc lập của bản thân. “Em luôn suy nghĩ liệu bản thân có thể thành công mà không cần dựa vào người khác hay không”, Dũng nói.
Tuy nhiên, trong chuyến đi tới Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần, khi được yêu cầu biểu diễn cho các cô chú tại trung tâm nghe, nam sinh vẫn quyết tâm cầm chiếc micro lên và hát, bất chấp sự ngại ngùng và e dè của bản thân. Nhìn những khán giả đặc biệt phía bên dưới cổ vũ, lắng nghe, điều đó như nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho em.
Nhờ thế, Dũng nhận ra âm nhạc đối với những bệnh nhân ấy cũng giống như liều “tâm dược” khiến họ trở nên vui vẻ, tích cực hơn. Sau buổi hôm ấy, em tiếp tục tham gia vào một vài hoạt động khác của trung tâm, tiếp tục trò chuyện với bệnh nhân và cán bộ tại đây. Cũng vào lúc ấy, Dũng nhận ra bản thân có thể nỗ lực để vươn lên mà không cần dựa dẫm vào bất kỳ ai khác.
Theo Dũng, hành trình từ “phía sau” sân khấu tới “phía trước” Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần đã giúp em khám phá ra nhiều khía cạnh khác của bản thân, từ đó khiến em hiểu rằng chính việc tự nỗ lực và chủ động mới giúp em đóng góp hết mình cho cộng đồng và những người xung quanh.
Ngoài ra, cũng vì yêu thích âm nhạc, dưới sự hướng dẫn của một giảng viên tại Trường ĐH Lao động Xã hội, Dũng đã tham gia vào một nghiên cứu về việc truyền thông bằng âm nhạc và cách âm nhạc ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng.
Chủ đề này của Dũng được đánh giá sáng tạo, mới mẻ, song điều này cũng khiến em gặp khó khăn vì đây là đề tài chưa có nhiều người khai thác, do đó dữ liệu thông tin còn rất hạn hẹp và khan hiếm.
Nam sinh đã phải nghiên cứu từ rất nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả các nghiên cứu của những học giả trên thế giới để cho ra được một kết quả nghiên cứu đủ sức nặng, thuyết phục và mang tính xác thực. Bài nghiên cứu này sau đó đã được đăng trên tạp chí quốc tế International Journal of Social Science & Economic Research.
Theo Dũng, việc ứng viên có bài nghiên cứu khoa học trong bộ hồ sơ sẽ được các trường đại học Mỹ đánh giá cao hơn, bởi điều đó chứng minh rằng ứng viên có khả năng nghiên cứu, tìm tòi, làm việc nhóm và làm việc độc lập.
Về thành tích học thuật, Dũng từng đạt IELTS 8.0 ngay trong lần thi đầu tiên và 1550/1600 điểm SAT. Để đạt được kết quả SAT như vậy, nam sinh cho biết bản thân cũng phải “trầy trật trong một khoảng thời gian dài”.
“Các bài đọc của SAT có nhiều từ vựng khó, vì thế một tháng trước khi thi, cuộc sống của em hầu như chỉ xoay quanh việc học từ vựng, ôn các dạng bài và “cày” đề. Quãng thời gian đó tuy áp lực và mệt mỏi nhưng cũng khiến em trưởng thành hơn. Em học được cách chịu trách nhiệm với bản thân, nỗ lực và quản lý thời gian hiệu quả”, Dũng nói.
Ngoài ra, theo Dũng, bài học đáng giá nhất em nhận được trong suốt quá trình nộp hồ sơ là sự chủ động và kiên định với sự lựa chọn của bản thân. Đó cũng là yếu tố giúp bộ hồ sơ mang tính thống nhất, khắc họa rõ ràng con người của ứng viên.
“Em nghĩ rằng bộ hồ sơ không đơn thuần chỉ thể hiện sở thích của bản thân mà còn thể hiện khát vọng, mong muốn và sự chủ động, tiên phong trong việc mang lại những thay đổi tích cực với cộng đồng... Đó chính là những yếu tố tiên quyết giúp các trường lựa chọn và sẵn sàng cấp học bổng cho ứng viên”.
Mong muốn sẽ theo học song song hai ngành Tâm lý học và Khoa học Dữ liệu, Thanh Dũng dự định trong quãng thời gian trước khi sang Mỹ học tập, em sẽ tìm hiểu trước một số môn học và trang bị các kiến thức nền tảng cần thiết để việc học tập ở bậc đại học diễn ra thuận lợi hơn.