‘Đỏ mắt’ tìm đơn vị thẩm định giá đất
Phản ánh đến VietNamNet mới đây, các cư dân tại chung cư Lavita Charm, phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết họ đã nhận nhà hơn 3 năm qua nhưng vẫn chưa được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).
Theo các cư dân, lý do họ chưa được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính khi dự án có thay đổi cơ cấu sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Theo tìm hiểu, sở dĩ chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính vì sau nhiều lần Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đăng tải thông tin khu đất dự án Lavita Charm vẫn không có đơn vị tư vấn thẩm định giá đất nào tham gia. Tính đến tháng 6/2023, đơn vị này đã 6 lần đăng tải thông tin về khu đất dự án này.
Tương tự, cả ngàn căn hộ tại chung cư The Harmona, Q.Tân Bình (258 căn hộ) và chung cư Moonlight Boulevard, Q.Bình Tân (787 căn) vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, 3 chung cư nói trên thuộc nhóm 39 dự án nhà ở thương mại, với tổng quy mô gần 20.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng, đang gặp vướng mắc về nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Tính đến tháng 7/2023, ngoài 1 dự án (1.092 căn) đã có quyết định xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, nhóm 39 dự án này còn: 10 dự án (5.651 căn) đã chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá đất; 19 dự án (8.137 căn) phải rà soát pháp lý; 2 dự án (1.419 căn) qua rà soát không phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung; 3 dự án (1.679 căn) đã trình hội đồng thẩm định giá đất Thành phố.
Việc mất nhiều thời gian lựa chọn đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá đất được cho là nguyên nhân chính khiến cho hàng chục ngàn căn hộ tại TP.HCM chưa được cấp sổ hồng. Nhiều trường hợp Sở TN&MT đăng tải thông tin hơn chục lần vẫn chưa có đơn vị thẩm định nào nộp hồ sơ.
Như trường hợp của chung cư The Harmona, vào đầu tháng 3/2024, Sở TN&MT TP.HCM đã đăng tải thông tin lựa chọn đơn vị thẩm định giá đất đến lần thứ 12; hay một dự án nhà ở thương mại tại Q.7, cơ quan chức năng đã 21 lần đăng tải thông tin chào mời nhưng không có đơn vị thẩm định giá đất nào quan tâm.
Đơn vị sự nghiệp công được định giá đất
Chia sẻ với PV VietNamNet, đại diện một đơn vị tư vấn thẩm định giá đất tại TP.HCM cho biết hơn ai hết, các chủ đầu tư mong muốn đóng tiền sử dụng đất nhanh nhất có thể. Thậm chí, có chủ đầu tư muốn tạm nộp tiền này để yên tâm triển khai dự án nhưng không được.
Vị này cho rằng, khâu định giá đất rất rủi ro, nhất là các dự án có nguồn gốc đất công. Theo quy định, các đơn vị tư vấn phải đấu thầu, mức thù lao không cao nhưng trách nhiệm lại nặng nề.
“Rủi ro pháp lý đến từ việc có nhiều phương án định giá đất nhưng thông tin về giá đất trên thị trường chưa minh bạch. Điều này dẫn đến có tình trạng đơn vị tư vấn định giá đất xong vẫn không biết chắc mình làm đúng hay sai”, đại diện đơn vị tư vấn nói.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, số lượng nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố rất lớn. Mặc dù đơn vị đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Một trong những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết cấp sổ hồng cho các dự án nhà ở thương mại là vấn đề phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung. Một số dự án trong số này mất nhiều thời gian chào mời nhưng không có đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá đất tham gia.
Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng Nghị định số 12/2024 có hiệu lực từ ngày 5/2/2024 đã mở ra hướng giải quyết với những trường hợp không lựa chọn được đơn vị thẩm định giá đất. Khi đó, Sở TN&MT sẽ giao nhiệm vụ này cho đơn vị sự nghiệp công có chức năng tư vấn, thẩm định giá đất hoặc thành lập tổ công tác liên ngành để xác định giá đất.