Tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số - Nâng cao chất lượng đào tạo” do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và giảng viên tới từ hơn 40 cơ sở giáo dục đại học đã cùng bàn thảo về việc nâng cao chất lượng đào tạo của giáo dục đại học trong kỷ nguyên công nghệ và chuyển đổi số.
Theo nhóm nghiên cứu của ThS Ngô Đức Nghị và ThS Cao Thị Thu Hương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đã trở thành “bước ngoặt” giúp thay đổi cách thức giáo dục truyền thống.
AI không chỉ hỗ trợ việc giảng dạy thông qua các hệ thống gia sư thông minh mà còn cá nhân hóa trải nghiệm học tập, điều chỉnh lộ trình học dựa trên nhu cầu và khả năng của sinh viên. Ngoài ra, AI cũng có thể tự động chấm điểm bài kiểm tra, giúp giảm tải công việc hành chính cho giáo viên và cung cấp phản hồi nhanh chóng tới người học.
“Sử dụng AI để phân tích dữ liệu học tập, giáo viên có thể hiểu rõ hơn về hành vi học tập của sinh viên và đưa ra các quyết định để cải thiện chất lượng giảng dạy”, theo nhóm nghiên cứu.
Cùng chung quan điểm này, nhóm nghiên cứu của NCS Lã Minh Hiếu và TS Nguyễn Quang Huy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng AI có khả năng giúp tự động hóa một số công việc lặp đi lặp lại của giáo viên như chấm bài, phân tích kết quả học tập, soạn giáo án...
Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, giảng viên có thể tạo ra các bài giảng và bài tập, giúp sinh viên tiếp cận với nhiều dạng bài và ví dụ minh họa trực quan, dễ hiểu. Bên cạnh đó, AI còn có thể giúp xác định những kỹ năng, kiến thức mà sinh viên đang gặp khó khăn dựa trên thông tin giảng viên cung cấp, từ đó thầy cô có thể điều chỉnh giáo án để tập trung vào những kỹ năng ấy trong các buổi học tiếp theo.
“Thông thường, giáo viên chỉ có thể đưa ra phương pháp cho phần lớn sinh viên trong lớp chứ không thể cá nhân hóa cho từng người. Nhưng năng lực của mỗi sinh viên là khác nhau và AI có thể phân tích dữ liệu học tập (như điểm số, khả năng tiếp thu với từng dạng bài, sự cải thiện khi giảng viên thay đổi phương pháp dạy học) để đưa ra lời khuyên học tập tối ưu cho từng sinh viên. Khi có thêm công cụ AI hỗ trợ đưa ra các nhận định ban đầu, giáo viên sẽ giảm bớt gánh nặng trong việc tìm ra phương pháp học tập cho số lượng lớn sinh viên”.
Các nhà nghiên cứu này đều đồng tình, nhờ có AI, giáo viên có thể giảm tải đáng kể công việc, từ đó giúp họ có nhiều thời gian hơn để nâng cao kiến thức và thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới.
Dẫu vậy, theo chuyên gia, dù AI có thể được sử dụng dưới sự giám sát của giảng viên để tạo ra các bài tập với mức độ chi tiết và phân hóa cao, nhưng những hệ thống này không thể thay thế hoàn toàn các giáo viên, vì chúng không thể đảm bảo kết quả đưa ra luôn chính xác.
Việc giáo viên dựa quá nhiều vào AI cũng có thể làm giảm tính tự chủ, khả năng tư duy độc lập và sáng tạo trong việc giảng dạy.
Do đó, nhóm nghiên cứu của ThS Ngô Đức Nghị và ThS Cao Thị Thu Hương cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ này, cần có sự cân bằng giữa việc sử dụng AI và các phương pháp giáo dục truyền thống.
Trước thực tế một số giáo viên lo sợ AI có thể sẽ thay thế các phương pháp giảng dạy truyền thống, dẫn đến các nhà giáo dục bị mất việc làm hoặc giảm vai trò, nhóm nghiên cứu này cho rằng AI chỉ có thể thay thế một số vai trò của giáo viên trong việc giảng dạy và hỗ trợ người học chứ không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác của con người.
“Mối quan hệ giữa giáo viên và người học không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc xây dựng sự tin tưởng, động viên và hỗ trợ về mặt tinh thần”, nhóm cho biết.
Còn theo nhóm nghiên cứu của NCS Lã Minh Hiếu và TS Nguyễn Quang Huy, những thay đổi lớn về công nghệ yêu cầu các nhà giáo dục phải đổi mới và định hình lại vai trò của người giảng viên, chuyển đổi từ người truyền đạt kiến thức sang người hướng dẫn và cố vấn cho sinh viên, thúc đẩy khả năng tự học của sinh viên.
Và dù AI có phát triển cỡ nào, vai trò của giảng viên vẫn vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn, động viên và phát triển tư duy phản biện của học trò.
“Giảng viên cần hiểu rằng, dù công nghệ có phát triển đến đâu, chúng ta vẫn phải giữ lại những giá trị cốt lõi của giáo dục, đó là rèn luyện con người. Để đạt được những mục tiêu và giá trị cốt lõi này, các giảng viên cần tìm ra những biện pháp mới để phát triển tư duy phản biện, khả năng cạnh tranh và khả năng phát triển độc lập tự chủ cho người học”, theo nhóm nghiên cứu.