Các chương trình máy tính hiện nay có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật với chất lượng rất cao chỉ trong vài giây. Bất kể yêu cầu từ người dùng kỳ lạ đến mức nào, chỉ cần nhập vào phần mềm một số từ, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra một hình ảnh thực sự khớp với mô tả.
Một bức tranh vẽ thủ công không thể hoàn hảo do những biến số từ các ngón tay của họa sĩ tạo nên những đường cong không tự nhiên.
Trong khi đó, vấn đề của AI vẽ tranh chỉ đến từ mô tả của người dùng, đôi khi vô nghĩa hoặc đơn giản là không khớp với kho dữ liệu của phần mềm.
Bức tranh có tên Théâtre D'opéra Spatial được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số hôm 29/8 tại triển lãm bang Colorado (Mỹ) gây tranh cãi vì là sản phẩm của AI sáng tạo. Ảnh: Jason Allen. |
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về đạo đức nghệ thuật, nhưng các chương trình tạo ảnh tự động này có thể là khởi đầu của một làn sóng rất lớn trong giới công nghệ. Các chuyên gia trong ngành bắt đầu đề cập về lĩnh vực mới này với tên gọi mô hình tạo sinh (generative models), hay đơn giản hơn là AI sáng tạo.
Nguyên lý của AI sáng tạo
Năm 2012, cộng đồng nghiên cứu mạng neural tích chập (CNN), vốn có ứng dụng nhận dạng và phân loại hình ảnh, phát cuồng với kiến trúc mới có tên AlexNet.
Kể từ đó, việc tạo hình ảnh bằng ứng dụng nhận dạng ảnh qua học sâu (deep learning) đã thúc đẩy phần lớn những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khơi dậy mối quan tâm đối với công nghệ mới này.
Nói đơn giản, deep learning sử dụng những mô hình được huấn luyện trên các tập dữ liệu lớn cho đến khi chương trình hiểu được mối quan hệ trong dữ liệu đó. Sau đó, mô hình có thể được sử dụng cho các ứng dụng, chẳng hạn như xác định chú chó trong một bức ảnh hay dịch văn bản.
Phần mềm tạo ảnh tự động sau đó hoạt động bằng cách chuyển quá trình này lên bộ xử lý của nó. Thay vì dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, nó dịch một cụm từ tiếng Anh thành một hình ảnh. Giai đoạn tạo ảnh thường có hai phần chính, một phần xử lý cụm từ ban đầu và phần thứ hai là biến dữ liệu đó thành hình ảnh.
Chỉ cần nhập từ khóa, AI sáng tạo sẽ tự động phân tích và chuyển thành hình ảnh sát với mô tả. Ảnh: Craiyon. |
Hướng phát triển ban đầu của AI sáng tạo xuất phát từ mạng lưới mô hình tạo sinh đối lập (GAN) và cho đến nay, GAN vẫn là thuật toán được sử dụng trong hầu hết công cụ tạo ảnh tự động.
Về cơ bản, GAN hoạt động bằng cách để hai mô hình AI đối lập với nhau có tên Generator và Discriminator. Hai mô hình này chơi đối kháng với nhau, khi Generator tạo ra hình ảnh còn Discriminator sẽ đóng vai trò như người kiểm duyệt.
Điểm đích sẽ là số lần thử bão hòa, khi việc tạo ra hình ảnh đã hoàn hảo đến mức bên kiểm duyệt không còn cách nào để gia tăng độ phát hiện.
Làn sóng mới
“Trong ba tháng qua, từ khóa 'AI sáng tạo' từ chỗ chả ai quan tâm đã trở thành một trong những đề tài nóng hổi nhất", David Beisel, một nhà đầu tư mạo hiểm tại NextView Ventures cho biết.
AI sáng tạo đã có những bước tiến vượt bậc trong thời gian gần đây. Nó truyền cảm hứng cho mọi người rời bỏ công việc hiện tại, thành lập công ty mới và mơ về một tương lai nơi trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp sức mạnh cho một thế hệ công nghệ khổng lồ mới, theo CNBC nhận định.
Thực tế, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã có một giai đoạn bùng nổ trong nửa thập kỷ qua, nhưng hầu hết tiến bộ đó đều liên quan đến khả năng phân tích dựa trên dữ liệu đầu vào.
Bức tranh theo phong cách của Pablo Picasso vẽ một con mèo đang ngồi trên mặt trăng, sản phẩm của AI sáng tạo. Ảnh: OpenAI. |
Qua thời gian, các mô hình máy học đã nhanh chóng phát triển đủ hiệu quả để nhận ra liệu có con mèo trong bức ảnh người dùng vừa chụp trên điện thoại.
Thế nhưng, AI sáng tạo lại đi ngược hoàn toàn với trí tuệ nhân tạo thông thường. Chúng có thể tạo ra thứ gì đó hoàn toàn mới, chưa từng có trước đây. Hay nói cách khác, AI sáng tạo là kiến tạo, chứ không chỉ đơn thuần là một cỗ máy phân tích.
“Điểm ấn tượng đối với tôi là nó có thể sáng tạo nội dung mới. Không chỉ tái tạo những hình ảnh cũ mà còn là những thứ gì đó mới hoàn toàn khác với những gì chúng ta đã thấy trước đây”, Boris Dayma, nhà phát triển phần mềm vẽ tranh tự động bằng từ khóa Craiyon nói về trí tuệ nhân tạo.
Sequoia Capital - một trong những công ty đầu tư mạo hiểm thành công nhất trong lịch sử với những khoản đầu tư rất sớm vào các công ty khổng lồ như Apple và Google, đưa ra nhận xét “lĩnh vực AI sáng tạo có tiềm năng tạo ra hàng nghìn tỷ USD giá trị kinh tế”.
AI sáng tạo là sự nâng cấp so với thế hệ trí tuệ nhân tạo vốn chỉ dùng để phân tích dữ liệu. Ảnh: Latitude. |
VC dự đoán AI sáng tạo có thể thay đổi mọi ngành công nghiệp yêu cầu con người tạo ra tác phẩm gốc, từ game cho đến quảng cáo.
Những công ty nghìn tỷ USD trong tương lai
Theo các chuyên gia trong ngành, các công ty khởi nghiệp tiên phong trong những công nghệ mới như AI sáng tạo hoàn toàn có thể thách thức những gã khổng lồ phần mềm đang thống trị mảng trí tuệ nhân tạo như Google, Facebook hay Microsoft.
Nhận diện được tiềm năng lớn của AI sáng tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư đáng kể cho một số công ty trong ngành này.
Đầu năm nay, Hugging Face được định giá lên tới 2 tỷ USD sau khi huy động được tiền từ các nhà đầu tư bao gồm Lux Capital và Sequoia. OpenAI, startup nổi bật nhất trong lĩnh vực này, nhận được hơn 1 tỷ USD tài trợ từ Microsoft và Khosla Ventures.
Trong khi đó, Forbes đưa tin Stability AI, nhà sản xuất của Stable Diffusion, đang đàm phán để huy động vốn đầu tư mạo hiểm với mức định giá lên tới 1 tỷ USD.
Các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng AI của Stable Diffusion. Ảnh: Stable Diffusion. |
Không chỉ những công ty tiên phong, các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây như Amazon, Microsoft và Google cũng hoàn toàn có thể hưởng lợi vì sở hữu sẵn đội ngũ phát triển AI hiện đại chuyên sâu về mặt tính toán.
Meta, công ty mẹ của Facebook và Google cũng không đứng ngoài cuộc. CNBC tiết lộ cả hai ông lớn công nghệ này đã tuyển dụng nhiều tài năng nổi bật nhất trong lĩnh vực này với hy vọng có thể tích hợp vào các sản phẩm AI sáng tạo vào hệ sinh thái của công ty.
Vào cuối tháng 9, Meta đã ra mắt chương trình tạo video bằng AI có tên Make-A-Video. Không chỉ hình ảnh, gã khổng lồ công nghệ này tiến thêm một bước nữa bằng cách tạo ra video chỉ bằng một đoạn văn bản mô tả đơn giản.
Chương trình tạo video bằng AI có tên Make-A-Video của Meta, công ty mẹ Facebook. Ảnh: Meta. |
“Đây là một tiến bộ đáng kinh ngạc. Dựng video khó hơn nhiều so với tạo ảnh vì ngoài độ chính xác từng pixel, hệ thống còn phải dự đoán chúng sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian. Bạn chỉ cần đưa cho nó một đoạn mô tả, nó sẽ tạo video ưng ý cho bạn”, Mark Zuckerberg viết trên Facebook ngày 29/9.
(Theo Zing)