Chiều 6/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã làm việc với Bệnh viện Ung bướu TP về cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hơn 3.700 lượt khám chữa bệnh, tăng gần 2% so với trước dịch Covid-19. Số lượng bệnh nhân nhập viện, phẫu thuật, hoá trị, xạ trị cũng tăng nhẹ.
Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu TP có 2 cơ sở. Cơ sở 2 (mới) khang trang, đóng trên địa bàn TP Thủ Đức, hoạt động bước đầu hiệu quả với khoảng 50% nhân sự đã chuyển về làm việc.
Theo bác sĩ Dũng, trong 9 tháng đầu năm, bệnh viện không đủ tiền chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Thu nhập bình quân hiện nay khoảng 8,8 triệu đồng/tháng (gồm lương cơ bản và thu nhập tăng thêm), nhờ vào việc dùng tiền của năm trước tích lũy để chi cho 3 năm gần đây.
"Nguồn quỹ này đã hết. Bệnh viện sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu không có sự hỗ trợ của thành phố. Năm ngoái, bệnh viện không có nguồn tiền Tết, phải dùng các nguồn khác để chia đều mỗi người 7,5 triệu đồng tiền thưởng từ giám đốc cho đến hộ lý, điều dưỡng”, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bày tỏ.
Cụ thể, năm 2021, nguồn thu của bệnh viện giảm sâu do Covid-19. Bệnh viện đã tiết kiệm tối đa, tạm ngưng mua sắm thiết bị y tế để dành ngân sách duy trì các hoạt động, chênh lệch thu chi vẫn thâm hụt so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi thâm hụt 91 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ liên quan ảnh hưởng dịch bệnh chỉ cấp bù 19 tỷ. Vì thế, bệnh viện kiến nghị được cấp bù đủ 91 tỷ đồng.
Thêm vào đó, năm 2021, bệnh viện chưa được quyết toán 38 tỷ đồng do vượt tổng mức thanh toán trong năm theo Nghị định 146.
Một vướng mắc rất lớn mà Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhiều lần bày tỏ là vấn đề chi phí dự trù bảo trì máy móc trong năm 2023. Tại cơ sở 2, để đảm bảo các hệ thống kỹ thuật và trang thiết bị y tế được hoạt động liên tục và hiệu quả, bệnh viện cần khoảng 158 tỷ đồng kinh phí bảo trì. Trong đó, hệ thống kỹ thuật 35 tỷ đồng và trang thiết bị y tế là 123 tỷ đồng.
“Mong TP giúp cho bệnh viện khoản này nếu không sẽ không đủ tiền trả lương cho các bác sĩ”, bà Đoàn Ngọc Châu, Trưởng phòng Tài chính, Bệnh viện Ung bướu TP nói trong buổi giám sát.
Phản hồi với Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đại diện Sở Tài chính chia sẻ, khoản chi điện nước, bảo trì bảo dưỡng thiết bị nằm trong chi phí chi thường xuyên, mà bệnh viện tự chủ chi thường xuyên nên không được cấp kinh phí.
Khi hoạt động theo Nghị định 60, với tình hình thu giảm như vậy, bệnh viện cần tính toán lại xem ngân sách có hỗ trợ được không. Chính phủ có chủ trương sửa Nghị định 60, Sở đang kiến nghị để có những hỗ trợ cho bệnh viện không đủ nguồn quỹ.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ, khó khăn Bệnh viện Ung bướu đang đối mặt do hậu Covid-19 vẫn còn. Đó không chỉ là tinh thần, sức khoẻ bác sĩ mà còn là thu nhập.
Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị của bệnh viện, sẽ phản ánh đến Quốc hội bằng văn bản, đến Chính phủ và cơ quan chức năng. Trong đó, báo cáo Thành uỷ, UBND TP, xem xét có cơ chế hỗ trợ bệnh viện trong giai đoạn khó khăn này.
"Cơ sở vật chất mới khang trang này nếu không bảo trì đúng cách sẽ nhanh xuống cấp, rất uổng phí, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của người dân", bà Tuyết nói.
Trước đó, hồi tháng 8, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, cơ sở 2 bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2020 nhưng doanh thu tại đây không đủ để chi cho tiền điện, nước, tiền vệ sinh, cảnh quan môi trường, bảo hành, bảo trì thiết bị….
Bệnh viện đã tiết kiệm tối đa, tạm ngưng mua sắm thiết bị văn phòng, thiết bị y tế để dành ngân sách. Tuy nhiên, hệ thống kỹ thuật như điều hòa không khí, hóa chất hệ thống lạnh, thang máy, hệ thống Chiller… đã hoạt động hết công suất. Máy móc, thiết bị y tế như hệ thống xạ trị, thiết bị xét nghiệm, hệ thống cộng hưởng từ, máy siêu âm… đã đến hạn cần bảo trì.
Vì thế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đề xuất TP hỗ trợ 158 tỷ đồng để bảo trì thiết bị, máy móc, phục vụ người bệnh tốt nhất.