Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế Singapore nhận định mỗi ngày, bạn không nên ăn quá 2.000mg natri, tương đương 5g muối (muối chứa 40% là natri).
Bệnh viện Mount Alvernia (Singapore) đã tính toán lượng natri có trong 7 loại nước dùng lẩu. Theo đó, mức natri trên 100ml nước dao động từ 2.800mg tới 12.800mg, cao hơn nhiều so với mức khuyến cáo.
Ngoài ra, các nguyên liệu nhúng lẩu cũng chứa nhiều calo như thực phẩm đã qua chế biến bao gồm cá viên, thịt viên, xúc xích. Những loại thịt phổ biến như ba chỉ và nội tạng cũng không tốt cho sức khỏe. Theo Asia One, chỉ cần ăn 50g thịt ba chỉ sẽ khiến bạn hấp thụ thêm 230 calo và 20g chất béo.
Cách ăn lẩu lành mạnh
Chọn nước dùng trong, vị nhạt, hạn chế húp nước: Thật hấp dẫn khi thưởng thức nước dùng đậm đà nhưng đó là thói quen nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch.
Bắt đầu với rau và chọn thịt nạc như cá, gà: Bằng cách cho rau xanh vào trước thịt, nước dùng sẽ ít béo hơn. Rau cũng hấp thụ ít chất béo hơn so với khi cho vào cuối cùng. Bạn nên ăn nhiều rau có chất xơ, hạn chế ăn thịt.
Đừng bỏ qua tinh bột: Điều này nghe có vẻ phi lý nhưng nếu bạn đang muốn giảm lượng thực phẩm không tốt cho sức khỏe thì đây là cách nên làm. Chỉ cần tránh mì ăn liền và chọn các loại carb lành mạnh hơn làm từ ngũ cốc nguyên hạt.
Nước chấm hương vị tự nhiên: Thay vì dùng các loại nước chấm giàu calo và béo, tại sao bạn không chọn những hương vị tự nhiên hơn? Tỏi băm, hành lá, nước tương, giấm và một chút ớt sẽ tăng hương vị cho nước chấm.
An toàn khi nấu lẩu
Nhiều người thích ăn lẩu khi thời tiết se lạnh và nguyên liệu chủ yếu là thực phẩm sống. Nếu các nguyên liệu không được chuẩn bị hoặc nấu chín đúng cách, bạn có thể gặp các bất ổn đường ruột, ngộ độc do thực phẩm nhiễm mầm bệnh, phổ biến nhất là E.coli, khuẩn tả, viêm gan A và ký sinh trùng. Theo Foodsafety, dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi chế biến lẩu tại gia:
- Chỉ cho thực phẩm vào nồi khi nước sôi.
- Thức ăn phải được nấu chín kỹ, tránh cho quá nhiều vào cùng lúc sẽ khiến nhiệt phân bổ không đều. Khi cho thực phẩm sống hoặc thêm nước dùng, phải đợi đến khi sôi mới thưởng thức bất kỳ thức ăn nào trong nồi.
- Mỗi loại thực phẩm cần thời gian nấu khác nhau. Vì vậy, tốt nhất nên chia thực phẩm theo từng loại để nhúng.
- Trứng phải được rửa thật sạch để loại bỏ chất bẩn bám trên vỏ trước khi cho vào nồi. Tránh cho trứng sống vào nồi để tăng hương vị cho thực phẩm đã nấu chín vì trứng có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella cao. Những người nhạy cảm như phụ nữ mang thai và người lớn tuổi đặc biệt chú ý đến điều này.
- Cắt cá và thịt thành từng miếng mỏng để nấu nhanh và kỹ.