Trẻ có thể bị thiếu hụt hormone tăng trưởng dẫn đến thấp bé và tự ti so với bạn cùng trang lứa. Ở mức độ nặng, một số em bị giảm sản vùng mặt giữa, tạo nên gương mặt giống búp bê, tay chân nhỏ hoặc bộ phận sinh dục nhỏ ở bé trai.
Tại buổi khởi động chương trình “Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao trẻ em” lần thứ 7 của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), mẹ của em Trần Văn Thành (12 tuổi, tên đã thay đổi) cho hay Thành có vẻ thấp bé hơn bạn bè từ khi 2 tuổi. Vì thế, chị bổ sung cho con dinh dưỡng rất nhiều nhưng không hiệu quả.
Bốn năm trước, chị đưa con đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám nội tiết và được chẩn đoán bị thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH). Thành được bác sĩ chỉ định điều trị với GH lúc 9 tuổi khi cao 127,5cm, nặng 26,6kg. Sau hơn 1 năm 4 tháng, em tăng thêm 14cm. Hành trình này vẫn đang tiếp tục.
Tương tự, một bé gái 12 tuổi khác đã điều trị bổ sung hormone tăng trưởng GH 2 năm qua tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Khi bắt đầu điều trị, bé cao 126,5cm, nặng 30 kg và nay tăng thêm 21,5cm. Chiều cao này đang ở mức trung bình so với bạn bè, còn trước đó, em luôn ở nhóm thấp nhất lớp.
Thực tế cho thấy, nhiều trẻ trước khi đến thăm khám đã được bổ sung dinh dưỡng thời gian dài nhưng không cải thiện. Khi xác định đúng nguyên nhân gây chậm tăng trưởng, tuân thủ phác đồ, trẻ đã thay đổi chiều cao đáng kể và giảm sự tự ti.
Theo Tiến sĩ bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), hơn 7 năm qua, có gần 200 trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng trong số hơn 2.000 trẻ được tầm soát miễn phí chiều cao tại đây.
Biểu hiện khi trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng
Các bác sĩ cho hay chiều cao của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Thiếu GH gây chậm tăng trưởng chiếm tỷ lệ 1/3.000- 1/4.000 và khó nhận biết.
GH được tiết ra từ tuyến yên ở não, đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể. Hormone này còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, protein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.
Ở mức độ thiếu hụt nhẹ, trẻ chỉ biểu hiện chậm hoặc không tăng trưởng chiều cao. Trường hợp thiếu GH nặng, trẻ có thể bị giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam. Một số trẻ có mỡ quanh vùng bụng hoặc thường xuyên thấy mệt mỏi, thiếu tập trung, trí nhớ kém…
Sự tăng trưởng chiều cao của trẻ diễn ra vượt trội trong 2 giai đoạn từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Tuy nhiên, phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi trẻ 4 tuổi trở đi. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao nằm ngang hoặc đi xuống, tốc độ tăng trưởng dưới 4cm/năm và đã loại trừ suy dinh dưỡng, trẻ nên được đưa đi khám với bác sĩ nội tiết nhi.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết nếu trẻ có chỉ định điều trị bổ sung GH, nên thực hiện sớm trong giai đoạn từ 4-13 tuổi, trước khi các sụn xương đóng lại.
Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đánh giá kết quả. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, bác sĩ sẽ xem xét nên hay không bổ sung GH cho từng trường hợp cụ thể.
“Điều trị chậm tăng trưởng do thiếu GH là một quá trình lâu dài thậm chí là nhiều năm. Do đó, cả bác sĩ và gia đình đều cần kiên trì, đồng hành sát sao để mang lại kết quả tốt nhất”, bác sĩ Ngọc Anh nói.
Tầm soát miễn phí cho trẻ chậm tăng chiều cao
Chương trình khám tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH năm 2023 diễn ra từ ngày 17/6 đến ngày 9/7 vào các buổi chiều thứ bảy và sáng chủ nhật hàng tuần.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) vẫn tiếp tục nhận đăng ký khám cho trẻ qua hotline 0335.116.057 hoặc 0932.714.440 đến ngày 3/7.