Romania đã bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự lớn nhất của NATO ở châu Âu nằm gần thành phố cảng Constanta ở Biển Đen. Dự án trị giá 2,7 tỷ USD nhằm mở rộng Căn cứ Không quân số 57 ở Mihail Kogalniceanu để có thể chứa 10.000 binh sĩ NATO, cùng sự xuất hiện của các đường băng, bệ vũ khí, và nhà chứa máy bay quân sự mới. Căn cứ được nâng cấp dự kiến sẽ có diện tích khoảng 3.000ha.
"NATO đã và đang theo đuổi chính sách mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực có thể gây ra mối đe dọa với Nga. Ngoài các căn cứ ở Kosovo mà Mỹ đang xây dựng trong 10 năm qua, chưa bao giờ có cơ sở nào lớn như vậy ở khu vực Balkan”, ông Leonid Reshetnikov, trung tướng đã nghỉ hưu thuộc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) chia sẻ với Sputnik.
Nằm gần cảng Constanta trên Biển Đen, căn cứ mới của NATO ở Romania chỉ cách biên giới Ukraine 130km, và cách thành phố cảng Odessa khoảng 300km. Điều này có nghĩa là NATO sẽ tiến gần hơn đến Nga, do bán đảo Crưm có chung đường biên giới trên biển với Romania. Bán đảo Crưm thuộc Ukraine, nhưng đã sáp nhập vào Nga hồi năm 2014.
“Họ đang di chuyển đến gần biên giới Nga. Có một biên giới trên biển thực tế giữa Romania và Nga. Do đó, một căn cứ khổng lồ đang được xây dựng để kiểm soát khu vực Biển Đen, khu vực của Nga, các eo biển, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Reshetnikov nói thêm.
Trong những thập kỷ qua, Mỹ và NATO đã xây dựng một loạt căn cứ quy mô nhỏ ở các quốc gia từng thuộc Hiệp ước Warsaw nằm trên bờ Biển Đen. Song theo ông Reshetnikov, căn cứ mới ở Romania nhằm mục đích mở rộng quyền kiểm soát của NATO trên biển và các khu vực lân cận.
"Căn cứ này chắc chắn đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Nga, đối với các hoạt động của quân đội Nga ở Biển Đen, cũng như mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chính sách độc lập hoặc tự chủ của Ankara trong khối NATO. Đây là nỗ lực rất nghiêm túc của Mỹ và NATO nhằm kiểm soát một khu vực rộng lớn”, trung tướng về hưu nhận định.
Theo ông, một khi căn cứ ở Romania được xây dựng, NATO sẽ có thể duy trì quyền kiểm soát cả trên không và trên bộ dọc theo khu vực Biển Đen từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Romania. Ông cảnh báo bán đảo Crưm, Biển Azov, cùng các khu vực Krasnodar và Abkhazia của Nga sẽ nằm trong phạm vi tấn công của căn cứ mới của NATO.
Song theo ông Reshetnikov, Nga có thể đối trọng với mối đe dọa từ cơ sở mới của NATO ở Romania bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực phía tây nam, và đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trung tướng nghỉ hưu nhấn mạnh, Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoàn thành các nhiệm vụ lớn ở Ukraine. Mặt khác, sự hiện diện mở rộng của NATO ở phía đông và phía nam châu Âu sẽ không chỉ gây ra mối đe dọa quân sự chiến lược, mà còn là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.