Anh N.V.T (40 tuổi, trú tại Thanh Hóa) đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương (Hà Nội) khám vì đau đầu không rõ nguyên nhân. Trước đây, anh thường tự mua thuốc uống khi có triệu chứng này.
Tuy nhiên, 3 tháng trước anh xuất hiện co giật, đau đầu, động kinh. Gia đình đưa đi chữa ở viện thâm thần nhưng không đỡ. Theo người nhà, bệnh nhân có sở thích ăn các loại nem, ăn tiết canh… đều từ thực phẩm tái, sống.
Xem thông tin trên mạng, anh T. tìm tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng trung ương với hy vọng có thể tìm được nguyên nhân gây đau đầu. Kết quả xét nghiệm ELISA của bệnh nhân dương tính với ấu trùng sán dây lợn. Chụp cộng hưởng từ sọ não thấy khối tổn thương ký sinh tại vùng não của anh T. do ấu trùng sán dây lợn.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương sán dây lợn là do thói quen ăn nem chạo, nem tái, tiết canh. Nhiễm ấu trùng sán lợn ăn vào đường tiêu hóa, ấu trùng này đi vào hệ bạch huyết, đi khắp cơ thể có thể ký sinh ở não tạo thành u não, viêm não. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau đầu, kích thích, vật vã, co giật.
Tại đây, bác sĩ Thọ gặp nhiều bệnh nhân khám đau đầu và đi khám và điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa khác nhưng không khỏi do bệnh từ ký sinh trùng thường bị bỏ qua. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ vì đi chữa tâm thần quá lâu, sử dụng thuốc hướng thần gây tác dụng phụ. Sau điều trị ký sinh trùng, tình trạng đau đầu đỡ, bệnh nhân tỉnh táo.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu ở khu vực có thói quen ăn uống thịt tái, sống có các biểu hiện ngứa da lâu ngày, đau đầu, u cục ở cơ nên tới các cơ sở chuyên khoa ký sinh trùng để làm xét nghiệm định dạng loài ký sinh trùng.
Tiến sĩ Thọ cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 200-300 bệnh nhân. Trong đó, 80% bệnh nhân tới khám có biểu hiện ngứa lâu năm, 20% liên quan tới sán các loại như sán lá gan, sán dây lợn, sán dây bò. Đặc biệt là thói quen nuôi thú cưng khiến rất nhiều bệnh nhân bị giun đũa chó mèo.