Ba phiên bản cho 3 lực lượng
F-35 JSF (Joint Strike Fighter) là loại máy bay phản lực chiến đấu một chỗ ngồi thế hệ thứ 5, có khả năng cao trong nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu cũng như không chiến. F-35 có 3 phiên bản: F-35A cất và hạ cánh thông thường (CTOL); F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL); và F-35C dùng trên tàu sân bay (CV).
Trong đó, F-35A là phiên bản phổ biến nhất, được sản xuất nhiều nhất để dần thay thế các loại máy bay như A-10, F-16 và trở thành trang bị chính của không quân Mỹ. Được thiết kế với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, tấn công các mục tiêu mặt đất của đối phương; với tính năng tàng hình, có thể tiếp liệu trên không và là phiên bản duy nhất có pháo bên trong thân, F-35A có thể thâm nhập những khu vực có lực lượng phòng không mạnh của đối phương.
F-35B được phát triển cho lực lượng hải quân đánh bộ. Ngoài các đường băng quy ước như các loại máy bay chiến đấu khác, nó có thể cất cánh từ những sân bay dã chiến, các tàu đổ bộ trực thăng, thậm chí là các đoạn đường cao tốc gần khu vực chiến tuyến. Căn cứ quân sự Mỹ đầu tiên tại nước ngoài được trang bị loại máy bay này là căn cứ Iwakuni ở Nhật Bản.
F-35C là phiên bản trang bị trên tàu sân bay, trang bị cho lực lượng không quân, hải quân và cả hải quân đánh bộ. Về cơ bản giống như F-35A, nhưng càng của F-35C có thể chịu được lực phóng của máy phóng trên tàu sân bay; có móc cáp hãm đà và cánh lớn hơn 2 phiên bản A, B; có thể gập lại để tiện cất giữ trong các hầm chứa của tàu sân bay. F-35C cũng là phiên bản mang được nhiều nhiên liệu nhất trong thân máy bay, do vậy có phạm vi hoạt động rộng hơn so với phiên bản A và B.
Sự khác nhau giữa F-35A và F-35B
Sự khác biệt chính nằm ở sự cơ động kém hơn của F-35B, do phiên bản này phải hy sinh khả năng cơ động để có thể cất hạ cánh thẳng đứng (VSTOL). Do tích hợp của quạt nâng, F-35B có thân hình “mập” hơn so với F-35A. Kích thước bề mặt trước của F-35B cũng lớn hơn, nên chịu nhiều lực cản và đương nhiên sự cơ động không thể bằng F-35A.
Chính cũng do lực cản tăng nên so với F-35A, chiếc F-35B mất thêm khoảng 18 giây nữa để tăng tốc từ Mach 0,8 lên Mach 1,2.
Cấu hình khác biệt và trọng lượng lớn hơn cũng ảnh hưởng đến khả năng cơ động: giới hạn gia tốc tối đa của F-35B là 7G, để tránh làm hỏng các bộ phận bên trong; trong khi đó gia tốc tối đa của F-35A là 9G.
F-35B cũng chứa được ít nhiên liệu bên trong máy bay hơn, do nó có thêm nhiều máy móc chiếm phần thể tích trong thân (như bộ phận cất hạ cánh thẳng đứng) mà phiên bản A không có. Điều này cũng giới hạn phạm vi chiến đấu hiệu quả của nó so với phiên bản A, nhưng vẫn lớn hơn so với các loại máy bay kiểu VSTOL khác trước đó như AV-8B Harrier II.
Về trang bị vũ khí, do cấu tạo thân máy bay khác nhau, nên ở F-35B, pháo không bố trí ở gốc cánh máy bay như ở F-35A mà gắn dưới thân. Các khoang vũ khí bên trong của F-35B mang trọng lượng vũ khí ít hơn so với F-35A. Khiếm khuyết lớn nhất là F-35B không thể mang theo bom có trọng lượng 1.000kg, nếu muốn sử dụng loại bom này, phải treo ở giá treo vũ khí bên ngoài.
Hiện nay, hầu hết các loại bom để phá các công trình kiên cố (bunker buster) do Mỹ chế tạo, đều có trọng lượng 1.000kg. Vì vậy, chiếc F-35B sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ với khả năng tàng hình như thiết kế để tấn công một mục tiêu được bảo vệ tốt hoặc nằm sâu trong lòng đất, trong khi chiếc F-35A thực hiện nhiệm vụ này bình thường.
Theo lí thuyết, F-35B sẽ cất cánh tối đa với trọng lượng. Nhưng nếu tình huống không có đường băng (không thể cất cánh đường băng ngắn) mà phải cất cánh thẳng đứng, thì nó phải hy sinh việc mang vũ khí để có thể mang thêm nhiên liệu phục vụ cho cất và hạ cánh.
Nguyên Phong