Cụ thể, Apple bị cáo buộc dối trá khi nói rằng không có cách nào để lần ra hoặc hoàn trả số tiền tương đương giá trị của các phiếu quà tặng.
Thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ lừa đảo liên quan các phiếu quà tặng trả trước, như phiếu mua hàng hay phiếu quà tặng iTunes. Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) của Mỹ miêu tả về hình thức lừa đảo này như sau:
"Bất kỳ người nào đề nghị bạn thanh toán bằng phiếu quà tặng đều là một kẻ lừa đảo.
Những kẻ mạo danh thuộc đủ mọi thành phần thường đề nghị bạn thanh toán với phiếu quà tặng. Ai đó có thể gọi cho bạn và nói rằng họ đến từ IRS (Sở thuế vụ), đang làm nhiệm vụ thu thế hay các khoản phí. Người gọi có thể nói rằng hắn ta đến từ bộ phận hỗ trợ kỹ thuật, đề nghị bạn trả tiền để sửa máy tính. Người gọi thậm chí còn nói rằng cô ta là một thành viên trong gia đình, đang có việc gấp, và cần tiền ngay lập tức.
Nhưng họ đều có điểm chung là cần bạn gấp rút gửi tiền. Một khi bạn mua phiếu quà tặng, người gọi sẽ đề nghị bạn cung cấp số phiếu quà tặng và mã PIN ở mặt lưng phiếu. Những con số này cho phép họ ngay lập tức lấy được số tiền mà bạn đã nạp vào phiếu. Và một khi đã làm xong, những tên lừa đảo cùng số tiền sẽ không cánh mà bay, thường thường không để lại dấu vết gì".
Với phiếu mua hàng tại cửa hàng, những tên lừa đảo thường mua những sản phẩm có giá trị lớn như laptop và smartphone, sau đó bán lại chúng. Lừa đảo phiếu quà tặng iTunes thường diễn ra theo cách hơi khác biệt một chút, trong đó phiếu có xu hướng được dùng để mua các ứng dụng trả phí sở hữu bởi những tên lừa đảo, để chúng có thể nhận được 70% số tiền còn lại sau khi đã trả cho Apple.
Mặt lưng phiếu quà tặng iTunes
Theo đơn kiện, Apple nói với các nạn nhân lừa đảo rằng họ không thể làm gì một khi tiền đã được tiêu, nhưng điều đó không chính xác. Trên thực tế, Apple giữ 100% số tiền trong thời gian từ 4-6 tuần, từ lúc bạn mua ứng dụng cho đến khi Apple trả tiền cho nhà phát triển. Trong quá trình này, công ty sẽ ở trong tư thế để hoàn trả 100% giá trị phiếu quà tặng nếu được yêu cầu.
Bên cạnh đó, Apple sẽ lấy khoản hoa hồng 30%, do đó họ sẽ luôn sẵn sàng để hoàn trả ít nhất là 30% đó, kể cả sau khi kẻ lừa đảo đã được trả tiền.
Lừa đảo thẻ quà tăng iTunes là một hoạt động sinh lời khá cao. Theo trang Patently Apple thì:
"Đại đa số các nạn nhân không báo cáo lại vụ lừa đảo cho FTC. Ấy thế nhưng dù chỉ một lượng giới hạn các vụ lừa đảo phiếu quà tặng iTunes được báo cáo lên FTC từ năm 2015 đến 2019, số tiền bị lừa cũng đã vượt quá 93,5 triệu USD, với lượng tiền tăng đáng kể qua từng năm. Số tiền được báo cáo công khai này bao gồm khoản thiệt hại của chỉ một nhóm nhỏ các nạn nhân đã điền đầy đủ thông tin cá nhân vào một biểu mẫu trực tuyến mà FTC yêu cầu họ hoàn tất. Do đó, con số 93,5 triệu USD dường như chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi.
Kể cả khi chỉ 10% các nạn nhân lừa đảo báo cáo lên FTC (chưa tính báo cáo lên cảnh sát địa phương, văn phòng tổng chưởng lý, Apple, hoặc không khai báo), các vụ lừa đảo phiếu quà tặng iTunes cũng sắp chạm ngưỡng 1 tỷ USD, trong đó Apple vẫn ăn 300 triệu USD tiền hoa hồng."
Nhiều nạn nhân lừa đảo là người già, do đó 3 trong số 11 nguyên đơn cáo buộc Apple vi phạm các điều luật được đưa ra để bảo vệ người già trước nạn quấy rối tài chính.
(Theo Trí Thức Trẻ, 9to5mac)
Thoát vụ 15 tỷ USD, Apple đối mặt án phạt 26 tỷ USD
Apple vừa thoát án phạt khoản 15 tỷ USD tiền thuế ở Ireland. Tuy nhiên, Táo khuyết dường như chưa có thời gian để ăn mừng thì tin xấu lại ập đến.