Ảnh: The Guardian |
Theo The Guardian, trong những tuần gần đây, các lãnh đạo của Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã từ chối điện đàm với Tổng thống Joe Biden, khi Mỹ và các đồng minh tìm cách kiềm chế giá nhiên liệu tăng vọt, vốn bắt nguồn từ việc Nga tấn công Ukraine.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Trung Đông và Mỹ cho biết, cả Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman và Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan của UAE đều "không rảnh" để tiếp điện thoại của Tổng thống Mỹ. "Có kỳ vọng rằng sẽ có một cuộc điện đàm nhưng nó đã không diễn ra", một quan chức Mỹ nói về kế hoạch bàn bạc qua điện thoại giữa Tổng thống Biden và Thái tử Ảrập Xêút.
Tuần trước, OPEC+, gồm cả Nga, đã từ chối nâng sản lượng khai thác dầu bất chấp kêu gọi của phương Tây. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tìm cách tăng nguồn cung cấp dầu khi Mỹ chính thức cấm nhập khẩu dầu của Nga vào ngày 8/3, làm giá dầu tăng lên 130 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 14 năm.
Quan hệ Mỹ - Ảrập Xêút trở nên lạnh lẽo trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Biden do những chính sách của Mỹ với vùng Vịnh. Ví dụ như, vấn đề khôi phục đàm phán hạt nhân với Iran, Mỹ thiếu hỗ trợ Ảrập Xêút trong việc can thiệp vào nội chiến ở Yemen, từ chối bổ sung nhóm Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố...
Đầu tuần này, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, trong thời gian tới giữa Tổng thống Biden và Thái tử Mohammed không có kế hoạch hội đàm. Người đứng đầu nước Mỹ cũng không có kế hoạch đi tới Riyadh. Yousef Al Otaiba, Đại sứ UAE tại Mỹ xác nhận quan hệ giữa hai nước là căng thẳng.
UAE và Ảrập Xêút được coi là các nhà cung cấp toàn cầu có khả năng bơm thêm dầu để giá mặt hàng này giảm xuống.
Hoài Linh
Những hình ảnh tàn khốc của chiến tranh ở Ukraine
Các bức hình được chụp vào ngày thứ 13 của cuộc chiến tại Ukraine cho thấy sự tàn phá mà đất nước này phải hứng chịu cũng như những tổn thất to lớn mà dân thường đang đối mặt.