ASML, một trong những công ty thiết bị bán dẫn quan trọng nhất thế giới, vừa công bố doanh thu và lợi nhuận tăng vọt trong quý II/2023, song cảnh báo về “bất ổn” kinh tế vĩ mô thời gian tới.
Công ty trụ sở Hà Lan chuyên sản xuất những cỗ máy đắt tiền phục vụ sản xuất các loại chip tiên tiến nhất thế giới. Khách hàng của ASML bao gồm TSMC, hãng đúc chip theo hợp đồng hàng đầu hiện nay.
Hãng sản xuất thiết bị bán dẫn cho biết họ dự kiến doanh thu thuần trong quý III/2023 sẽ nằm trong khoảng 6,5 tỷ euro đến 7 tỷ euro. Công ty cũng nâng triển vọng cho cả năm 2023 với ước tính doanh thu tăng 30% thay vì 25% trước đó.
Công ty cho biết họ nâng triển vọng năm nhờ vào doanh thu cao từ máy in khắc tia cực tím sâu (DUV), loại thiết bị dùng để sản xuất chip nhớ có mặt trong nhiều sản phẩm, từ smartphone đến laptop, máy chủ và cuối cùng là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Song, CEO ASML Peter Wennink cũng cảnh báo về những bất ổn vĩ mô. “Khách hàng của công ty trên các phân khúc thị trường khác nhau đang tỏ ra thận trọng với những diễn biến hiện tại. Họ mong chờ sự phục hồi của thị trường diễn ra sau đó”, lãnh đạo ASML nói. “Tuy nhiên, khả năng phục hồi đến nay vẫn chưa rõ ràng”.
Hiện, những công ty thiết kế và đúc chip dùng trong sản phẩm cuối như điện thoại thông minh đang phải xử lý vấn đề hàng tồn kho tăng cao. Nguyên nhân do nhu cầu với mặt hàng điện tử tiêu dùng tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều đó cũng đồng nghĩa các nhà sản xuất chip giảm sản lượng, dẫn đến ít sử dụng công cụ của ASML hơn trước.
Không bị tác động đáng kể từ hạn chế xuất khẩu
Theo số liệu từ Refinitiv, trong quý II/2023, công ty Hà Lan đạt doanh số 6,9 tỷ euro, vượt ước tính 6,72 tỷ euro, tương đương mức tăng trưởng 27% so với cùng kỳ. Về lợi nhuận ròng, công ty ghi nhận 1,9 tỷ euro, cao hơn dự đoán 1,82 tỷ euro, tương đương mức tăng 37,6% so với năm ngoái.
ASML bị cuốn vào nỗ lực của Washington nhằm cô lập Bắc Kinh khỏi các công nghệ then chốt, bao gồm công nghệ liên quan sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu sâu rộng với một số công nghệ nhất định mà nước này lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng để phát triển ứng dụng quân sự hoặc trí tuệ nhân tạo. Chính quyền Tổng thống Biden cũng gây áp lực buộc các đồng minh có động thái tương tự.
Tháng 6/2023, Hà Lan - nơi đặt trụ sở chính ASML thông báo lệnh cấm xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất bán dẫn tiên tiến. Theo đó, các công ty buộc phải xin giấy phép từ chính phủ đối với một số loại công nghệ nhất định.
Tuy nhiên, theo CEO ASML, các quy định mới không gây bất ngờ cho công ty, đồng thời nhận định những biện pháp kiểm soát xuất khẩu “tác động không đáng kể đến chúng tôi trong năm 2023, cũng như với triển vọng dài hạn”.
(Theo CNBC)