Năm 2021, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo mô tả BIS là một đơn vị “nhỏ nhưng hùng mạnh”, là trung tâm của các nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia. Vị thế của BIS ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động xuất khẩu chip AI sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
BIS chịu trách nhiệm thực hiện chế độ kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, đảm bảo sản phẩm quốc phòng và công nghệ cao quan trọng không lọt vào tay những công ty hay chính phủ “không phù hợp”. Cơ quan này nắm giữ quyết định về việc ai có thể hay không thể tiếp cận công nghệ Mỹ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận các doanh nghiệp.
Những nhà sản xuất chip đang là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các hạn chế do BIS áp đặt. Năm 2022, cơ quan này từng cảnh báo Nvidia cần xin giấy phép xuất khẩu đặc biệt đối với các lô hàng chip AI tiên tiến A100 và H100 sang Trung Quốc.
Công ty sản xuất chip vốn hoá lớn nhất thế giới vào tháng 8/2022 ước tính chịu thiệt hại 400 triệu USD doanh số bán hàng tiềm năng tại Trung Quốc, từ khi khách hàng chuyển sang mua “sản phẩm thay thế” khác của hãng. Vài tháng sau, Nvidia tung ra phiên bản chip AI rút gọn dành riêng cho thị trường đại lục với tên gọi A800 và hạ mức thông số kỹ thuật xuống dưới yêu cầu cần phải xin phép Bộ Thương mại.
Song, WSJ ngày 28/6 đưa tin, ngay cả những sản phẩm “cấp thấp” này cũng có thể bị hạn chế xuất khẩu theo chỉ đạo của chính quyền Tổng thống Biden, khiến cổ phiếu công ty giảm 2%. BIS từ chối bình luận về khả năng siết chặt kiểm soát.
Thông qua Danh sách kiểm soát thương mại, BIS có thể xác định thông số kỹ thuật sản phẩm nào cần có giấy phép để bán ở nước ngoài. Tiêu chí được cụ thể hoá đến mức chỉ có một số mặt hàng có sẵn trên thị trường.
Mặc dù danh mục này không nhằm mục đích loại trừ bất kỳ nhà cung cấp nào, nhưng ngoại trừ Nvidia và Micro Devices, có rất ít công ty phát triển loại vi xử lý tiên tiến dành cho mô hình AI.
Do đó, nếu một lệnh hạn chế xuất khẩu được thực thi, các công ty này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo sản phẩm công nghệ cao của họ không được xuất hiện tại thị trường Trung Quốc.
Chưa dừng lại, BIS còn nhắm vào hãng sản xuất ổ cứng Seagate khi công ty này tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei, dù gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen từ năm 2020.
Seagate đã bị phạt hơn 300 triệu USD vì hành vi trên, nhưng hậu quả tài chính với công ty còn lớn hơn nhiều khi hãng này có hoạt động kinh doanh ước tính lên đến 1,1 tỷ USD ở đại lục.
(Theo CNBC)
Ngoại giao bán dẫn nở rộ, công ty Mỹ ‘vung tiền’ đa dạng hoá chuỗi cung ứng
Hà Lan sắp cấm du học sinh Trung Quốc đăng ký chuyên ngành công nghệ bán dẫn