Phát biểu trong ngày thứ 2 của chuyến công du, Ngoại trưởng Penny Wong tuyên bố, Australia muốn thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy, cũng như “quyết tâm bù đắp” những gì mà bà mô tả là “một thập kỷ đã mất về hành động khí hậu”.
Theo báo Guardian, chuyến thăm của bà Wong trùng với thời điểm diễn ra chuyến công du 8 nước của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Đây được coi là dấu hiệu cho sự cạnh tranh ngày càng tăng nhằm giành ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra ngày 27/5 khẳng định, Bắc Kinh không tìm kiếm “khu vực ảnh hưởng” và họ tin Nam Thái Bình Dương “không nên là chiến trường cho các toan tính địa chính trị”.
Trong một động thái có lợi cho Mỹ, Fiji đã trở thành quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên tham gia sáng kiến kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Nhà Trắng ca ngợi quyết định này, gọi Fiji là "nhà lãnh đạo khu vực", sẽ mang tới “giá trị và quan điểm sống còn” trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Ngoại trưởng Australia dự kiến gặp Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Fiji Frank Bainimarama vào chiều 27/5.
Tại cuộc họp báo sau khi gặp gỡ các lao động Thái Bình Dương dự kiến sẽ tới Australia, bà Wong đã được hỏi trực tiếp rằng liệu Chính phủ Australia có lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực hay không. Bà Wong đáp, Australia tôn trọng việc các quốc gia Thái Bình Dương tự quyết định việc họ muốn hợp tác với ai và trong lĩnh vực nào, nhưng Australia muốn trở thành “đối tác được lựa chọn” và chứng minh họ là "một đối tác đáng tin cậy”.
"Chúng tôi đã công khai bày tỏ mối quan ngại về thỏa thuận an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc. Lí do cho việc đó là chúng tôi nghĩ sẽ có hậu quả. Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là an ninh của khu vực do khu vực quyết định và lịch sử đã cho thấy đó là một điều tốt đẹp", bà Wong nhấn mạnh.
Theo Ngoại trưởng Australia, chính phủ mới ở Canberra đã vạch ra một bộ chính sách, bao gồm cả hành động khí hậu mạnh mẽ hơn và các chương trình lao động được cải thiện, báo hiệu “mong muốn được góp sức và xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn” ở Thái Bình Dương.
Trong bài phát biểu trước ban thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Suva tối 26/5, bà Wong hứa, Australia sẽ đối xử với các quốc gia Thái Bình Dương một cách tôn trọng, như “đối tác không ràng buộc” và sẽ không đặt ra “gánh nặng tài chính không bền vững”.
Phát biểu được cho là nhằm làm nổi bật sự tương phản ngầm với Trung Quốc, nước đang theo đuổi một thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng với các quốc gia Thái Bình Dương, nhằm mở rộng đáng kể ảnh hưởng của Bắc Kinh và quyền tiếp cận các quốc gia đó.
Tuy nhiên, đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã phản bác những chỉ trích từ Australia, quả quyết sự hợp tác giữa đại lục và các quốc đảo Thái Bình Dương “mang lại thành công và hạnh phúc thực sự cho người dân” hai bên. Theo đại sứ quán, Bắc Kinh chưa bao giờ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc đảo.
Tuấn Anh
Thủ tướng Australia Scott Morrison lần đầu tiên đã công khai lí do vì sao ông từ chối gặp đại sứ mới của Trung Quốc tại nước này.