- B-52 dẫu có được mượn làm tên một loại nước cocktail hay ban nhạc rock, nó vẫn không dễ thương một chút nào, nhất là với những nạn nhân chứng kiến sự khủng khiếp của nó năm xưa.
Đó là một phần lời tựa của Nhà xuất bản Trẻ khi giới thiệu cuốn sách "Đối mặt với B-52 với công chúng (sáng 4/12 tại Thư viện Hà Nội nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng B-52 lịch sử) - một ấn bản phẩm kể chuyện lịch sử giản dị nhưng chân thực, tự nhiên, sống động, gần gũi và khác biệt khi cấu trúc xây dựng dựa trên kỹ thuật "điều tra báo chí".
Đó không phải là cuốn sách thuật lại một chiến thắng quân sự lừng lẫy, mà là một "chân dung Hà Nội đối mặt với B-52" với nhiều góc cạnh. Tác giả của những câu chuyện chính là những nhân chứng, những người con Hà Nội đã sống, chiến đấu trong thời bom đạn năm xưa ấy.
Như nhà xuất bản gợi mở - cuốn sách mở ra cho người đọc ngày nay gặp những con người Hà Nội "không hận thù", những người đã sống cho một cuộc sống quả cảm, cho dù trước mặt là thách thức nào đi nữa.
Họ, 116 nhân chứng (trong đó hơn 1/4 là dân sự) với 116 câu chuyện khác nhau, xuất hiện trong cuốn sách theo cách tự nhiên, đời thường nhất, không phải với tư cách "nạn nhân" chiến tranh hay "anh hùng" của một cuộc chiến. Các nhân chứng được sắp xếp trong cuốn sách theo trình tự thời gian và không gian, tạo thành một câu chuyện kể hoàn chỉnh về "12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972".
Phác họa chân dung Hà Nội "Đối mặt với B-52" |
...Chúng tôi ôm lấy nhau, cười ra nước mắt. Anh Ninh ở Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu điện hỏi tôi "Có chắc B-52 rơi tại chỗ không?" "Tôi đùa vui, đáp lại "Chắc như cua gạch"!. Anh Phùng Thế Tài nghe được, chất vấn tôi: "Như cua gạch hay cua giấy?" Tôi phải báo cáo Trung đoàn 261 đã cử anh Võ Công Lạng, Trung đoàn phó, đến tận nơi máy bay rơi, mang về được mảnh xác máy bay có chữ B-52, anh mới tin".
Trung tướng Vũ Xuân Vinh, Tham mưu phó quân chủng phòng không-không quân, tác giả kể lại câu chuyện trên trong cuốn sách, trong buổi gặp gỡ ra mắt sách sáng nay dường như nghẹn giọng. Ông nói, từng hồi run, rồi vẫn diễn đạt mạch lạc những ký ức rộng hơn cả trang sách hẹp về 12 ngày đêm khói lửa.
Bà Đào Thanh Huyền - trưởng nhóm tác giả biên soạn cuốn sách - nhắc sức khỏe của ông không được tốt như những bữa trước. Đó cũng là lý do nhóm tác giả biên soạn trong quá trình thực hiện cuốn sách luôn cảm nhận sức ép thời gian.
Những nhân chứng lịch sử... |
Trong cuốn sách cũng có những câu chuyện gần gũi của những đứa trẻ ngày bé chứng kiến B-52.
Cậu bé sinh sống ở khu Kim Liên còn nhớ đến thế này: "....Nhà tôi ở khu tập thể Kim Liên, trước cửa nhà có một vửa hầm tăng xê nửa nổi nửa chìm. Thấy bảo người ta xây riêng hầm ấy cho một ông thứ trưởng bên Bưu điện cũng ở trong cùng khu, vì ông là cán bộ cấp cao. Bọn trẻ chúng tôi hay chui vào hầm để chơi trốn tìm. Xung quanh có nhiều hầm khác nữa để cho dân thường nhưng hầm của ông thứ trưởng rất rộng, rất cao, như một văn phòng. Khi có bom, ông ấy mời mọi người vào đấy trú cho an toàn hơn.
Buổi đêm, khi nghe tiếng máy bay B-52 thì nó rất khủng khiếp. Nó ầm ì ầm ì, giống như cái cối xay gió ở trên đầu, nó cứ tiến dần đến, cảm giác nó sẽ rơi xuống đập vào đầu mình. Nghe báo động là mọi người chạy trên tầng xuống. tiếng guốc mộc, tiếng chân chạy, tiếng mọi người gọi nhau. Có một ông tên là Tín, hay gọi bà vợ là "Duyên đâu rồi" để nấp cùng một hầm, nếu có chuyện gì thì đi cùng với nhau, không bị lạc.
Nghe người lớn bảo nhau chết rồi, bom phía Đông Anh, Giáp Bát, An Dương....Và xung quanh Hà Nội lửa bắt đầu rực sáng lên, từng góc, từng góc. Có khi cả bốn phía đều rực sáng, cảm giác có thể đọc báo được bằng ánh lửa đây. Hôm nó đánh bệnh viện Bạch Mai, ngồi trong hầm mà thấy chao đảo như một cái võng đang lắc mạnh, người mình xô bên này, xô bên kia"....
Hay có những khó khăn được kể lại đến trào lộng: "Những lần đầu tiên, đang đi trên đường mà nghe có còi báo động và loa phóng thanh báo máy bay địch đến, mọi người đều lao xuống hầm, có vị nhảy xuống chưa kịp đậy nắp, người khác nhảy vào tiếp, ngồi lên đầu nhau.
Nhưng về sau nó (địch) đánh như cơm bữa lại cảm thấy rất bình thường. Vả lại nhiều hầm ngập nước, bẩn. Hàng ngày phải tát, nhưng ít nhất nước cũng phải lưng ống chân nên nhiều người ngại, ngồi ngay trên mép hầm. Lực lượng tự vệ cũng nhắc nhở nhưng họ cũng chẳng buồn xuống hầm".. (Ông Đỗ Thọ, 64 tuổi, nguyên là kỹ sư điện của Bệnh viện Bạch Mai kể).
Họ đã kể về "Đối mặt với B-52" tự nhiên đến thế!
Nhóm tác giả biên soạn (từ trái sang phải): Trần Phúc Thái, Đặng Đức Tuệ, Đào Thanh Huyền, Nguyễn Xuân Mai |
Hình ảnh minh họa cũng là điểm nhấn tạo sự khác biệt. Với khối lượng đồ sộ ảnh tư liệu, hiện vật, nhân chứng cùng hệ thống bản đồ, sơ đồ minh họa mà cuốn sách đem lại, các sự kiện được tái hiện sống động hơn bao giờ hết.
Giá trị của lịch sử nằm ở những con người làm nên lịch sử. PSG.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam là thành viên Ban thẩm định nội dung của cuốn sách "Đối mặt với B-52". Ông nói giá trị lớn nhất của cuốn sách là phản ánh lịch sử ở góc độ nhân chứng, theo một logic mạch lạc.
"Chúng ta phải cảm ơn những người làm nên lịch sử. Những nhân chứng mà thiếu họ, lịch sử trở thành vô nhân xưng" - ông nói.
Nhóm tác giả biên soạn - Đào Thanh Huyền, Nguyễn Xuân Mai, Trần Phúc Thái, Đặng Đức Tuệ - được PSG.TS Nguyễn Mạnh Hà ví như những người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", "tay không bắt giặc" khi không có đầu tư, tài trợ, nhất là giữa thời buổi bản quyền còn khó khăn như bây giờ.
Nhưng với nhóm tác giả, họ ví công sức của mình trong 2 năm thực hiện cuốn sách, chỉ giản dị "là một tấm lòng tri ân của những người trẻ đối với thế hệ cha ông".
Linh Thư