Hơn một tuần nay, số trẻ mắc sởi nhập khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM tăng rất nhanh. Tính đến sáng nay (12/8), tại khoa đã có 52 trẻ mắc sởi đang điều trị, trong đó nhiều bé chuyển nặng, phải thở oxy.
Chăm cháu ngoại đang quấy khóc, thở oxy mũi, bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền (thuê nhà tại huyện Hóc Môn) cho biết, bé gái L.N.T.A. (10 tháng tuổi) bị sốt xuất huyết trước đó 10 ngày, ra viện được hơn 1 tuần thì sốt trở lại kèm ho, sổ mũi, người nhà tự mua thuốc cho bé uống 2 ngày. Thấy bé nổi mẩn khắp người, gia đình vội đưa bé vào viện cấp cứu.
Theo cô Tuyền, bé A. chưa tiêm mũi vắc xin sởi nào, do khi được 9 tháng, cháu bị bệnh nên gia đình không cho đi tiêm ngừa.
Ôm con gái 13 tháng tuổi trên người nổi đầy ban đỏ tại khu vực cách ly của khoa Nhiễm - Thần kinh, chị Nguyễn Kim Ngọc (ngụ Kiên Giang) kể: “Ban đầu con ho có đờm nhiều, đi khám hô hấp thì bác sĩ nói viêm phổi, cho nhập viện. Điều trị hô hấp 10 ngày thì con nổi ban, chuyển lên khoa Nhiễm, lúc này cháu đã mẩn đỏ toàn thân, không ăn uống, nằm li bì”.
Mặc dù đã 13 tháng tuổi nhưng con chị Ngọc cũng vẫn chưa tiêm một mũi vắc xin phòng bệnh nào, kể cả sởi. Theo lời chị, từ khi sinh ra, bé mắc bệnh liên miên nên gia đình không dám cho đi tiêm phòng.
Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, hơn một tháng nay số trẻ mắc bệnh sởi nhập viện bắt đầu nhiều và khoảng một tuần nay tăng nhanh.
Phần lớn trẻ mắc sởi đều chưa được tiêm ngừa, một số ít trẻ mới được tiêm một mũi, trong đó 2/3 trẻ mắc bệnh đến từ các tỉnh, thành khác. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng, có các biến chứng như viêm phổi, viêm ruột, phải thở oxy.
"Bệnh sởi hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến địa phương, không cần thiết đưa lên TPHCM. Việc đưa trẻ từ tỉnh lên các bệnh viện TPHCM dẫn đến nguy cơ lây lan bệnh” – bác sĩ Quy nói.
Đã có 3 trẻ mắc sởi tử vong
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, số ca mắc sởi bắt đầu tăng từ cuối tháng 5, tuần gần nhất đã có đến 60 ca sốt phát ban nghi sởi. Toàn thành phố có 48 phường, xã của 14 quận, huyện có ca bệnh sởi.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 3 trẻ mắc sởi tử vong. Các trường hợp này đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi, dẫn đến biến chứng nặng, được tích cực điều trị nhưng không qua khỏi.
Ca đầu tiên là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch, chậm phát triển tâm thần vận động, suy dinh dưỡng, chưa được tiêm vắc xin sởi.
Trẻ thứ hai là bé gái 4 tháng tuổi, bị hội chứng cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng. Trường hợp còn lại là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm hai mũi vắc xin.
Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện thành phố ghi nhận hơn 500 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 262 ca xét nghiệm dương tính. Hơn 50% các ca bệnh đến từ các tỉnh, thành khác.
Tính riêng những trường hợp có địa chỉ tại TPHCM là 201 ca sốt phát ban nghi sởi, 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong số này, gần 28% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, hơn 78% trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi chiếm đến 66%, nhiều trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.
Còn theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, số ca sốt phát ban nghi sởi tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều 12/8, Sở Y tế TPHCM đã có cuộc giao ban với tất cả bệnh viện và các trung tâm y tế trên địa bàn để thống nhất các giải pháp phòng chống dịch sởi, đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.