Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, tình hình cháy nổ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người xảy ra đối với nhà ở hộ gia đình, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Trong 3 năm từ 2018-2021, trên địa bàn xảy ra 1.333 vụ cháy, làm chết 38 người, 82 người bị thương, gây thiệt hại ước tính 272 tỷ đồng. Các vụ cháy do sự cố hệ thống thiết bị điện chiếm tới 52% (696 vụ); hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh 69 vụ (5%). Các vụ cháy còn lại xảy ra tại chung cư, nhà cao tầng, văn phòng, trụ sở làm việc, karaoke…
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 8.546 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. Đặc biệt, trên địa bàn còn có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ; 363 trường học, cơ sở giáo dục; 180 văn phòng, trụ sở làm việc… không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Trước tình hình trên, TP Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những bất cập. Theo đó, đối với chung cư, tập thể thuộc sở hữu nhà nước, việc khắc phục những tồn tại PCCC thuộc trách nhiệm của nhà nước. Với chung cư, tập thể đã bán hết cho người dân hoặc không xác định rõ chủ sở hữu thì lập ban quản trị. Còn kho chứa chất nguy hiểm ở khu dân cư thì phải có kế hoạch, phương án di dời.
Đối với các quán karaoke, TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, trước ngày 20/9, phải kiểm tra xong điều kiện kinh doanh tất cả quán karaoke, bar, vũ trường. Từ đó phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động theo quy định.
Với những cơ sở có vi phạm, TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch các quận, huyện nghiên cứu thu hồi các loại giấy phép đủ điều kiện kinh doanh của các quán karaoke, bar, vũ trường theo đúng quy định của pháp luật.
TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị của thành phố tập trung rà soát, bổ sung xây dựng phương án chữa cháy, cứu hộ, huy động nhiều lực lượng tham gia. Đặc biệt phải chú trọng các tình huống chữa cháy, cứu hộ nhà cao tầng, siêu cao tầng, dưới tầng hầm, trung tâm thương mại, kho xưởng sản xuất, nơi tập trung đông người.
TP Hà Nội cũng yêu cầu đảm bảo lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu hộ cứu nạn theo quy định. Làm tốt công tác đảm bảo, bảo dưỡng phương tiện, kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng của trang thiết bị, phương tiện để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Tăng cường kiểm tra đột xuất công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy tại các đơn vị.