XEM CLIP:

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969), là Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty AIC, từng được biết đến là doanh nhân tài giỏi, thành đạt, sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ.

Năm 2015, bà Nhàn được Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên Bang Nga (Viện IASS) trao tặng danh hiệu Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014 và phần thưởng Ngôi sao Vernadski. 

Bà Nhàn là Viện sĩ, Tiến sĩ, người phụ nữ đầu tiên của khu vực châu Á và Việt Nam được Viện IASS trao tặng hai danh hiệu danh giá này. Năm 2017, bà Nhàn được tạp chí Forbes Việt Nam xếp trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Đến tháng 4/2022, Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Cùng với đó, CQĐT  khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Đến ngày 10/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, bà Nhàn đã bỏ trốn nên ra quyết định truy nã đặc biệt.

Theo CQĐT, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến Cơ quan Công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất.

Quyết định truy nã bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Ngày 10/11, CQĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Nhàn tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. CQĐT còn cho rằng, hiện Chủ tịch AIC đang bỏ trốn, không hợp tác nên cần xử lý nghiêm khắc.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, đây là vụ án đầu tiên CQĐT đề nghị truy tố đối với bị can đang bị truy nã.

Theo quy định của pháp luật, khi bị can đang bị truy nã, bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ. Nếu ai phát hiện bị can đang bị truy nã mà che giấu, không tố giác sẽ bị xử lý hình sự về tội Che giấu tội phạm hoặc tội Không tố giác tội phạm theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Kể cả việc bị can bỏ trốn ra nước ngoài, vẫn có thể bị bắt giữ bất kỳ lúc nào.

Gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng

Theo kết luận điều tra, lợi dụng mối quan hệ với cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, bà Nhàn đã được giới thiệu, bà đặt vấn đề với các lãnh đạo khác của Đồng Nai và chủ đầu tư, để Công ty AIC được tạo điều kiện tham gia, trúng thầu.

Kết luận điều tra chỉ ra rằng, sau khi thiết lập các mối quan hệ, thông đồng, móc ngoặc, bà Nhàn giao cho hai Phó TGĐ ký hồ sơ, chứng từ, liên hệ, thoả thuận, chi tiền cho các cá nhân có liên quan cho đến khi Công ty AIC thực hiện xong dự án.

CQĐT khẳng định, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn biết rõ việc Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để tham dự thầu theo quy định, do đó bà Nhàn đã chỉ đạo việc điều chỉnh số liệu để ký báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012, 2013 trong hồ sơ dự thầu; cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, gian lận trong đấu thầu.

Kết quả, Công ty AIC trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với tổng số tiền hơn 665 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 148 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Sau khi trúng thầu, bà Nhàn còn ký các phụ lục hợp đồng điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để Công ty AIC hưởng lợi trái phép, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng. CQĐT xác định, tổng số tiền thiệt hại cho Nhà nước là hơn 152 tỷ đồng.

XEM VIDEO: