Gia đình anh Triệu Văn Ú và chị Bàn Thị Líu, thôn Tiến Minh, xã Đường Hồng, huyện Bắc Mê (Hà Giang) thuộc diện hộ nghèo. Tháng 5 năm nay, gia đình anh chị được nhận hỗ trợ con giống từ ba chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững, để phát triển kinh tế gia đình.
Được cấp vốn, gia đình chị mua 15 con dê giống về nuôi theo mô hình nuôi dê sinh sản. Với hình thức đầu tư có thu hồi, sau 3 năm gia đình chị cũng sẽ phải hòan trả lại 35% giá trị đầu tư ban đầu cho dự án. Chị Líu bày tỏ hi vọng việc nuôi dê sinh sản sẽ giúp gia đình dần cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Trong xã Đường Hồng, nhiều người mừng cho gia đình anh Nguyễn Văn Doanh ở thôn Nà Nưa bởi hộ gia đình này đã từng bước thoát nghèo thành công. Anh Doanh vốn là người có ý chí, nghị lực, biết chăm chỉ, chịu khó. Tháng 4 năm nay, gia đình anh đã đăng ký với xã để nhận hỗ trợ 2 con bò giống về nuôi theo mô hình nuôi bò sinh sản, với hình thức đối ứng. Do chọn được giống bò tốt, chỉ sau một sau hơn 1 tháng nuôi, cuối tháng 5 bò cái đã sinh được 1 bê con.
Bắc Mê nơi gia đình chị Líu hay anh Doanh sinh sống là huyện nghèo 30a, gồm 18 dân tộc cùng chung sống. Huyện có 12 xã, 1 thị trấn, trong đó có đến 10 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022, toàn huyện có 5.107 hộ nghèo, chiếm 46,83% tổng số hộ và 2.086 hộ cận nghèo, chiếm 18,49%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Mê đã tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động từ xã hội để đầu tư cho công tác giảm nghèo.
Cùng với việc quan tâm đa dạng hóa các mô hình, sinh kế giảm nghèo bền vững, đa chiều, bao trùm, huyện Bắc Mê cũng rất chú trọng tới công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điều này góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện.
Năm 2024 huyện Bắc Mê đề ra chỉ tiêu sẽ giảm 6% tỷ lệ hộ nghèo, đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn 24,83%. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm huyện đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm linh hoạt và xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trình độ sản xuất, khả năng của người dân. UBND huyện cũng phân công cụ thể cho các đơn vị, cá nhân phụ trách các hộ dự kiến thoát nghèo trong năm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Trong những tháng cuối năm, huyện Bắc Mê tăng tốc thực hiện đồng bộ, hiệu quả 7 dự án thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Để tối ưu hoá nguồn lực, huyện ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, quan trọng nhất là khơi dậy được ý chí tự lực tự cường và nội lực trong nhân dân để thoát nghèo bền vững.
Tại Hà Giang, để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ. Qua hơn 3 năm triển khai, những gia đình đã thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp tại huyện Bắc Mê đã có sự thay đổi lớn, giúp chất lượng cuộc sống người dân nghèo từng bước được nâng lên.
Tại huyện Bắc Mê hiện có tổng số 388 hộ, trong đó có 350 hộ nghèo và cận nghèo, tham gia cải tạo gần 294.000m2 vườn tạp. Việc thực hiện cải tạo vườn tạp đã góp phần thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Huyện Bắc Mê còn thu hút được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị hàng hóa như mô hình trồng chuối tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định; mô hình nuôi cá chiên, cá lăng của Hợp tác xã Thượng Tân, thị trấn Yên Phú; mô hình trồng dâu nuôi tằm của Hợp tác xã Thiên Ân, xã Yên Cường… Đây đều là những mô hình kinh tế hàng hóa mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người dân so với sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ.