Không chỉ là xu hướng tất yếu, chuyển đổi số còn là yêu cầu khách quan mang tính thời đại. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã xác định  “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành. Tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh bảo đảm thiết thực, hiệu quả”.

Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030 cũng hướng tầm nhìn đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành “thành phố vì tương lai”, tiên phong sử dụng công nghệ số và dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, giải quyết các thách thức của đô thị, phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

bac ninh ok.jpg

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh những năm gần đây thực sự tạo sự chuyển biến rõ rệt. Không chỉ mở rộng độ bao phủ của công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, chuyển động số hóa lan tỏa, thấm sâu vào đời sống các tầng lớp nhân dân. So với năm trước, kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) năm 2024 là điểm sáng: Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh tăng hơn 2,7 lần, đạt 93,18%, riêng các huyện, thị xã, thành phố tăng gấp 1,5 lần (từ 62,87% năm 2023 lên 98,94% năm 2024). Số lượng giao dịch thanh toán phí, lệ phí/thu thuế đất trực tuyến toàn tỉnh qua nền tảng thanh toán trực tuyến Cổng Dịch vụ công Quốc gia tăng hơn 8,3 lần. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên cả nước đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và thuộc nhóm 8 địa phương đầu tiên cả nước triển khai dịch vụ Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID phục vụ người dân từ ngày 12-10-2024.

Theo kết quả đánh giá của Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 97% người dân, doanh nghiệp hài lòng với xử lý phản ánh kiến nghị và 89,15% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Toàn tỉnh đã cấp hơn 728.400 tài khoản định danh VNeID mức độ 2, cấp hơn 21.000 chữ ký số công cộng cho người dân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và phát sinh hơn 234.300 lượt gọi giao dịch ký số quốc gia Esign (đứng thứ 12/63 các tỉnh, thành cả nước). Công tác số hóa, cập nhật các dữ liệu về người lao động; an sinh xã hội; địa chính các xã, phường, thị trấn; cán bộ, công chức, viên chức đều đạt 100%; riêng số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh đạt 63,4%... Nhờ kho dữ liệu được số hóa, nhiều thành phần hồ sơ giấy tờ trong giải quyết TTHC được cắt giảm, góp phần đáng kể cải cách hành chính.

Những tiện ích do chuyển đổi số mang lại từng bước khởi dựng thói quen thanh toán không tiền mặt. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng biên lai điện tử trong thu phí/lệ phí giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp; 100% số doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 100% số hộ kê khai thuế áp dụng hóa đơn điện tử… Giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai hiệu quả, trong đó chi trả an sinh xã hội đạt gần 99% toàn tỉnh; trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM, đã rà soát 100% đối tượng, đến nay đã thực hiện chi trả qua ATM đạt trung bình từ 93,3% trở lên. Từ mô hình “Chợ 4.0” tại phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh), Chợ Trung tâm thị trấn Chờ (huyện Yên Phong), Chợ Giầu (thành phố Từ Sơn), hiện nay việc thanh toán không tiền mặt phổ biến toàn bộ hơn 100 chợ truyền thống trong tỉnh, người tiêu dùng từ tâm lý trải nghiệm đã chuyển sang tâm thế chủ động sử dụng.

Theo ông Nguyễn Trung Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh: Để đạt được những bước chuyển mạnh mẽ đó, công tác chuyển đổi số được Bắc Ninh triển khai một cách bài bản, khoa học, sáng tạo. Các nhóm giải pháp được triển khai, thực hiện gắn chặt với các nhóm chỉ tiêu, bao gồm: Chuyển đổi nhận thức và hành động; hoàn thiện chính sách chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế số và xã hội số; triển khai các dự án, nhiệm vụ CNTT, chuyển đổi số.

Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, song Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã nhận diện rõ những hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, như: Việc triển khai các dự án, nhiệm vụ CNTT, chuyển đổi số của các sở, ngành còn chậm, nhiều đơn vị đề xuất tạm dừng hoặc dừng thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 do lo ngại về sự chồng chéo, trùng lặp trong triển khai chuyển đổi số của các cơ quan T.Ư với địa phương; các chính sách về chuyển đổi số chưa theo kịp thực tiễn; ứng dụng CNTT nội bộ các cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, các ứng dụng triển khai còn rời rạc, chưa có sự liên kết, tích hợp và dùng chung của nhau; thiếu các quy định, quy chuẩn chung về các cơ sở dữ liệu dẫn đến khó khăn khi triển khai kết nối, chia sẻ.

Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ và chưa tuân thủ tuyệt đối theo quy hoạch; vùng phủ sóng và chất lượng mạng di động của một số vùng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, tỷ lệ ngầm hóa mạng ngoại vi còn thấp. Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng, quản trị, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin các hệ thống CNTT và tham mưu triển khai chuyển đổi số tại đơn vị…

Trên cơ sở phân tích 2 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng trên, bản chất của chuyển đổi số là vấn đề của thể chế hơn là vấn đề công nghệ. “Tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, đúng trách nhiệm đối với việc chỉ đạo triển khai chuyển đổi số, dấu hiệu dễ thấy nhất đó là các chỉ tiêu được giao không đạt yêu cầu, hoặc thấp hơn nhiều mức trung bình của các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng cấp trong tỉnh hoặc trên cả nước. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, định mức, đơn giá trong triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực tế… Cũng có thể lấy một ví dụ cụ thể, Luật Công nghệ thông tin đã ban hành được 18 năm từ năm 2006, trong khi công nghệ thay đổi từng ngày, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện nhiều thuật ngữ, khái niệm và công nghệ mới nhưng việc sửa đổi Luật này chưa được triển khai đồng bộ với các Luật khác về chuyên ngành kỹ thuật và cả quy trình đầu tư, đấu thầu…” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trung Hiền dẫn giải.

Phía sau sự thành công trong triển khai Đề án 06 là 5 bài học kinh nghiệm đã được rút ra, gồm: Quyết tâm chính trị cao; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xác định và tháo gỡ điểm nghẽn”; bảo đảm nguồn lực. Tỉnh Bắc Ninh hiện dẫn đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP, chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (trong đó, các trụ cột về chuyển đổi số: Chính quyền số xếp thứ 10; Kinh tế số đứng thứ 5; Xã hội số ở vị trí thứ 7). Cả hai chỉ số: Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông, An toàn thông tin mạng của Bắc Ninh đều đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước… Đây chắc chắn sẽ là nền tảng quan trọng để Bắc Ninh vận dụng linh hoạt và hiệu quả các bài học nêu trên trong hiện thực hóa quyết tâm chính trị tạo chuyển biến đột phá, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số.

 Theo Thùy Vy (Báo Bắc Ninh)