Ngày 27/2, PGS.TS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nơi đây đã tiếp nhận và điều trị trường hợp nhiễm sán chó ở tim rất hiếm gặp.
Bệnh nhân là bà P.T.B (75 tuổi, Quảng Nam). Hơn một năm nay, bà B. cảm thấy khó thở, mệt nhiều khi gắng sức nên đi khám ở khắp các bệnh viện từ Quảng Nam đến TP.HCM, trong đó, có các bệnh viện chuyên khoa về tim và truyền nhiễm.
Các bệnh viện nhận định bà B. có nang to chèn ép ở cơ tim, khiến cho tim giảm khả năng co bóp. Tình trạng này gây ra các triệu chứng giống như suy tim. Bệnh nhân cũng được xét nghiệm ký sinh trùng nhưng kết quả âm tính.
Khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ tiến hành chụp MRI, hội chẩn để tiến tới quyết định phải phẫu thuật bóc tách nang ở tim của bà cụ.
“Nang sán có vỏ rất mỏng, nằm trong buồng tim. Tim co bóp, ma sát liên tục nên nguy cơ vỡ rất cao. Khi đó, bệnh nhân có thể sốc phản vệ, đột tử. Chúng tôi quyết định phải phẫu thuật”, bác sĩ Định nói.
Suốt 3 giờ phẫu thuật, ê-kip căng thẳng, cẩn trọng bóc tách. Nang sán bộc lộ rõ kích thước 4cm, to như quả bóng bàn, nằm ở thất trái. Quá trình phẫu thuật, người bệnh có thể rơi vào cơn rung thất, chèn mạch vành gây suy tim hoặc vỡ nang khiến sán và dịch phát tán. Các biến chứng đều có nguy cơ dẫn đến gây tử vong.
Tuy nhiên, bác sĩ Định đã bóc trọn vẹn “quả bóng bàn” chứa đầy sán và dịch, tạo hình thất trái nhằm đảm bảo chức năng co bóp của tim. Trong vài ngày tới, bà cụ sẽ được xuất viện.
Ngay sau ca phẫu thuật, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Huệ Vân, Trưởng bộ môn Vi sinh – Ký sinh, Đại học y Dược TP. HCM tiến hành xét nghiệm nang sán. Hình ảnh thu được cho thấy sán vẫn còn sống, kết quả định danh là sán dây chó thuộc giống Echinococcus.
Bác sĩ Vân cho hay, người mắc bệnh thường do nuốt phải trứng sán dây chó khi ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm trứng sán hoặc do tiếp xúc trực tiếp với chó, cáo, chồn nhiễm bệnh. Đáng lưu ý, người nuôi chó có tỷ lệ nhiễm sán dây chó cao hơn bình thường 21 lần.
Sán dây chó còn sống sau khi bóc tách nang và gửi đi xét nghiệm. Clip: BSCC
Bệnh thường phát triển chậm, có thể không biểu hiện triệu chứng trong một thời gian dài. Các nang sán phổ biến nhất là ở gan, phổi, sau đó là thận, lách, tim, não hoặc xương.
“Nang sán ở tim rất hiếm gặp. Bệnh nhân có thể đã nhiễm nhiều năm mà không biết. Tại Việt Nam, đây là trường hợp thứ 2 được ghi nhận. Ca trước đó được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai”, bác sĩ Vân cho hay.
Để phòng ngừa nhiễm sán dây chó, người dân cần cắt đường lây truyền bằng cách không cho chó ăn các phủ tạng chưa được nấu chín, giám sát các lò mổ súc vật, rửa tay trước khi ăn, rửa kỹ rau sống.
Đối với người nuôi chó và thú cưng, không cho chó liếm mặt và tay, rửa tay với xà phòng sau khi ôm vật nuôi, không để chó đi tiêu bừa bãi, tẩy sán cho chó 1 quý/lần.