Tại Hội nghị tâm thần toàn quốc 2023 vừa qua, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho hay mô hình cấp cứu trầm cảm được triển khai từ tháng 7/2022. Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM và Bệnh viện Tâm thần TP là 2 đơn vị chủ lực.
Theo đó, người dân khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu trầm cảm tự tử, có thể gọi đến tổng đài 115 và 1900.1267 bất kỳ khi nào. Sau khi ghi nhận, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ có mặt tại hiện trường ngay, giúp ổn định người bệnh và chuyển họ đến Bệnh viện Tâm thần TP.
Mô hình đặc biệt này được triển khai tại TP.HCM giúp phát hiện kịp thời và xử trí an toàn những trường hợp cấp cứu trầm cảm - tâm thần. Từ đó, giảm nguy cơ gây hại cho cộng đồng và người bệnh.
Theo bác sĩ Hoàn, từ ngày 26/7/2022 đến ngày 1/6/2023, tổng đài 115 đã nhận 79 ca liên quan đến cấp cứu trầm cảm, tổng đài 1900.1267 tiếp nhận 236 cuộc gọi.
Trong số những trường hợp do Trung tâm cấp cứu 115 tiếp nhận, có 34 ca được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Đa số người bệnh có tình trạng kích động, một số ít gặp ảo thanh, suy giảm ý thức, thậm chí có hành vi nguy hiểm như gây tai nạn giao thông, tự sát...
Trong khi đó, gần 200 ca gọi đến Bệnh viện Tâm thần để được tư vấn, khoảng 13 ca phải nhập viện nội trú. Bác sĩ Hoàn nhận định “cấp cứu trầm cảm” là một giải pháp nhân văn, kịp thời giúp người bệnh trầm cảm thể nặng có cơ hội và thời gian can thiệp, điều trị.
Bác sĩ cho hay trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm, giải quyết nguyên nhân tận gốc. Nếu không, bệnh nhân sẽ bị thúc đẩy đến suy nghĩ tự tử ngày càng nghiêm trọng.
“Nhiều người sau khi tự tử không thành, khi bình tĩnh lại, họ lại thấy hối hận. Sau đó họ tích cực làm từ thiện vì thấy trân trọng sự sống. “Cấp cứu trầm cảm” giúp bệnh nhân bình tĩnh và can đảm hơn để ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống. Đây là giải pháp rất nhân văn của thành phố”, bác sĩ Hoàn nói.
Theo các chuyên gia, sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ trầm cảm, rối loạn lo âu gia tăng trên toàn cầu, tỷ lệ tự sát cũng có sự tương quan với Covid-19.
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy khoảng 15 triệu người dân gặp phải các rối loạn tâm thần phổ biến. Riêng tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, năm 2022 ghi nhận 217.000 lượt khám ngoại trú. Đầu năm 2023, mỗi tháng có khoảng 20.000 lượt khám ngoại trú. Tỷ lệ khám trầm cảm chiếm khoảng 10%.
Hiện nay, sức khỏe tâm thần ngày càng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là về trầm cảm và rối loạn lo âu. Theo các chuyên gia, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn nam giới.
Theo Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến với tình trạng giảm khí sắc, mất hứng thú, giảm năng lực ý chí, cảm giác có tội lỗi hay tự đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống và khả năng tập trung suy nghĩ làm việc kém.
Trầm cảm thường có triệu chứng lo âu và các biểu hiện trở nên mạn tính, tái diễn dẫn tới suy giảm đáng kể khả năng tự chăm sóc. Người bệnh trầm cảm có thể dẫn tới tự tử.