“Để có một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn, bạn phải chấp nhận rằng cuối cùng cuộc sống ấy sẽ kết thúc”, bác sĩ người Mỹ Shoshana Ungerleider nói.

Trong nhiều năm chăm sóc bệnh nhân nằm viện, bác sĩ nội khoa Ungerleider đã lắng nghe chia sẻ về sự hối tiếc của những người gần cuối đời. Theo CNBC, bác sĩ Ungerleider, 44 tuổi là người dẫn chương trình podcast Trước khi rời xa và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận End Well. 

Dưới đây là 5 điều hối tiếc mọi người thường bày tỏ:

- Tôi đã không dành đủ thời gian cho những người tôi yêu thương.

- Tôi đã làm việc quá nhiều và bỏ lỡ cuộc sống.

- Tôi để nỗi sợ hãi kiểm soát các quyết định của mình và không chấp nhận rủi ro.

- Tôi ước mình đã can đảm hơn khi đối mặt với những điều không chắc chắn hoặc cơ hội.

- Tôi tập trung quá nhiều vào tương lai và mất kết nối với hiện tại.

benh nhan.jpg
Trước khi mất, nhiều người bày tỏ sự hối tiếc khi làm việc quá nhiều, dành thời gian cho gia đình quá ít. Ảnh minh họa: AI

Lời khuyên của bác sĩ Ungerleider để vượt qua những điều hối tiếc trên rất đơn giản: Nhắc nhở bản thân rằng thời gian của bạn có hạn và không thể đoán trước. Hãy thường xuyên tự hỏi mình một số câu hỏi: Tôi muốn dành thời gian của mình như thế nào? Điều gì quan trọng nhất với tôi trong cuộc sống?

Bác sĩ Ungerleider đặc biệt khuyến khích những người trẻ chưa phải đối mặt với vấn đề lớn về sức khỏe hãy coi các chia sẻ trên “thực sự cần thiết để có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh, chất lượng”. 

"Bạn nên áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và tránh những thứ như hút thuốc và các hoạt động có nguy cơ cao", cô khuyên.  

Ngoài ra, vị bác sĩ cũng khuyến khích: "Suy ngẫm về cái chết của chính mình trong suốt cuộc đời, dù bạn 20, 50, 80 tuổi hay bất kỳ độ tuổi nào, cho phép chúng ta sống tốt hơn mỗi ngày với nhiều ý nghĩa và mục đích hơn". 

Chỉ cần thừa nhận rằng bạn sẽ chết là cách hữu ích để tìm ra ý nghĩa trong "những điều nhỏ bé mang lại niềm vui cho chúng ta", tác giả sách bán chạy Alua Arthur (Mỹ) nói. 

"Chấp nhận cái chết đồng nghĩa đến một lúc nào đó tôi không còn có thể tiếp cận các giác quan nữa. Như vậy, thật tuyệt khi tôi có thể cảm thấy lạnh ở tay mình. Thật tuyệt khi tôi có thức ăn", Athur tâm sự. Bà là người sáng lập 1 tổ chức hỗ trợ và lên kế hoạch cuối đời. 

Những quan sát của bác sĩ Ungerleider tương tự như bác sĩ chuyên khoa ung thư Siddhartha Mukherjee - tác giả đoạt giải Pulitzer và Bronnie Ware - một tác giả và cựu nhân viên chăm sóc giảm nhẹ. 

Trên giường bệnh, mọi người thường ước mình đã bày tỏ nhiều tình yêu thương và sự tha thứ với những người họ quan tâm. 

Trong cuốn sách Năm điều hối tiếc hàng đầu của người hấp hối, Ware cho biết, bà nghe thấy nhiều nhất câu: "Ước gì mình có đủ can đảm để có cuộc sống đúng với chính mình, chứ không phải cuộc sống mà người khác mong đợi ở mình".

"Cho đến cuối đời, nhiều người không nhận ra rằng hạnh phúc là một sự lựa chọn. Họ đã mắc kẹt trong những khuôn mẫu và thói quen cũ. Cuộc sống là của bạn. Hãy lựa chọn một cách có ý thức, khôn ngoan và trung thực. Hãy lựa chọn hạnh phúc", tác giả Ware viết.