Ngày 11/8, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết người dân đã gửi thông tin về bệnh viện để xác minh một trường hợp kêu gọi từ thiện.
Theo phản ánh, một tài khoản Facebook tên N.V.Q chia sẻ có con trai mắc viêm não mô cầu. Bé điều trị 2 tháng qua tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhưng không qua khỏi do tình trạng nặng. Vì khó khăn, không xoay sở được tiền nên người nay mong được giúp chi phí đưa con về quê lo hậu sự.
Kèm theo bài đăng còn có số tài khoản ngân hàng tên Nguyễn Văn Quân, số điện thoại và hình ảnh một giấy chứng nhận được cho là của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Giấy này xác nhận bệnh nhân tên Nguyễn Văn Bảo (2022) đã tử vong.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định các thông tin, giấy tờ nói trên đều là giả. “Đây là chiêu trò mạo danh để kêu gọi từ thiện”, ông nói.
Đáng lưu ý, nội dung về diễn biến sức khỏe bệnh nhi trong giấy chứng nhận giả từng đã được sử dụng trong một vụ giả mạo hồi tháng 3. Khi đó, tài khoản có tên H.T. cũng đăng bài kêu gọi xin giúp đỡ chi phí đưa con về nhà lo hậu sự. Người này cho biết có con trai điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Do bệnh tình trở nặng, bé không qua khỏi.
Bài đăng có đính kèm số điện thoại, số tài khoản ngân hàng mang tên "Hoàng Quốc Trung", cùng hình ảnh một cháu bé trên giường bệnh.
Giấy chứng nhận được cho là của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nội dung xác nhận bệnh nhi bị ung thư, viêm não và đã tử vong, có dấu mộc và tên giám đốc. Bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành rà soát và xác định không có bệnh nhi nào như phản ánh, giấy chứng nhận điều trị là giả mạo.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng phát hiện một trường hợp làm giả giấy tờ. Giấy nhập viện có tên bệnh nhân N.V.H. (sinh năm 1978, Cà Mau), chẩn đoán chấn thương sọ não, đa chấn thương, có con dấu và chữ ký Trưởng khoa Chỉnh hình của bệnh viện.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết mẫu giấy được cung cấp là giả mạo, thông tin bệnh nhân cũng không có thật. Ông nhấn mạnh, các bệnh viện hiện nay đều có phòng công tác xã hội, nhà hảo tâm có thể liên hệ xác minh, tránh để lòng tốt bị lợi dụng.
"Tôi lo lắng nếu việc giả mạo xảy ra liên tục sẽ làm bào mòn sự chia sẻ và lòng tin. Khi biết kẻ xấu sử dụng các hình ảnh, thông tin để lừa đảo, nhà hảo tâm cũng sẽ bị hụt hẫng và người bệnh cũng bớt đi cơ hội được giúp đỡ", ông Hiển nói.