Lời tòa soạn
Mạo danh bệnh viện và bác sĩ trên mạng xã hội không phải tình trạng mới nhưng ngày càng rầm rộ. Các hình thức lừa đảo thời đại 4.0 lấy người bệnh là mục tiêu trục lợi ngày càng tinh vi hơn, từ việc sử dụng hình ảnh bác sĩ bán thực phẩm chức năng, hay gọi điện cho phụ huynh để báo "con cấp cứu ở Chợ Rẫy", cho đến lập hàng loạt Fanpage gắn thương hiệu bệnh viện lớn theo kiểu "lập lờ". Thiệt hại không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe, tính mạng người bệnh, người dân.
Trong khi chờ đợi sự quyết liệt và phương thức quản lý hiệu quả hơn từ cơ quan chức năng, VietNamNet xin đăng tải tuyến bài về Mạo danh bác sĩ, bệnh viện trên không gian mạng, góp phần cảnh báo đến quý độc giả và người dân trước những chiêu trò ngày càng tinh vi trên mạng xã hội.
Bài 1: "Cò bệnh viện" online bủa vây người bệnh
Bài 2: Hàng loạt bệnh viện lớn trở thành nạn nhân
Bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng: 100% là giả mạo
Luật An toàn thực phẩm, quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Do đó, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
"Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh", Cục An toàn thực phẩm đưa ra cảnh báo. Đồng thời, người dân cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
Cảnh báo này được đưa ra vào tháng 5 vừa qua, khi mạng xã hội rầm rộ xuất hiện nhiều clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.
Những quảng cáo mạo danh bác sĩ, gắn hình ảnh bác sĩ để bán TPCN, bán thuốc.
Báo cáo Facebook khi phát hiện tài khoản mạo danh là cách phổ biến nhất mà các bệnh viện, bác sĩ bị mạo danh kêu gọi người dùng phản ứng với các tài khoản mạo danh để trục lợi, lừa đảo.
Thông thường, Fanpage của các bệnh viện lớn sẽ có tick xanh (chính chủ), có đường dẫn website, địa chỉ cơ sở khám chữa bệnh cũng như các cảnh báo giả mạo để người dân nắm bắt, giảm thiểu thiệt hại.
Do đó, khi phát hiện tài khoản mạo danh bệnh viện, người dùng có thể sử dụng tính năng report để phản hồi với Facebook. Bệnh viện, bác sĩ (bị giả mạo) có thể gửi thông báo và thông tin liên quan chứng minh trang của mình bị giả mạo cho Facebook và đề nghị nhà cung cấp khóa trang giả mạo lại.
Còn theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, một trong những phương án hiệu quả mà bệnh viện có thể sử dụng là đăng ký độc quyền tên gọi. Khi đó, các hành vi mạo danh hoặc sử dụng tên của bệnh viện nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo sẽ có cơ sở để cơ quan chức năng xử lý.
Luật sư Hùng dẫn chứng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) là cơ sở y tế đã đăng ký độc quyền tên gọi Chợ Rẫy.
Tra cứu thông tin từ ngành y tế
Trước khi lựa chọn một cơ sở khám chữa bệnh hay cơ sở thẩm mỹ, người dân có thể kiểm tra tính hợp pháp của các cơ sở này thông qua cổng tra cứu của ngành y tế. Ngoài ra, các bệnh viện đều có số điện thoại đường dây nóng để phản ánh hoặc xác minh thông tin.
Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân truy cập cổng tra cứu hoạt động khám chữa bệnh tại địa chỉ thongtin.medinet.org.vn để tránh "tiền mất tật mang". Cụ thể, người dân truy cập vào địa chỉ trên, nhập thông tin về phòng khám/cơ sở thẩm mỹ (thuộc nhóm ngành y tế quản lý cấp phép) và xem kết quả.
Phương thức này cũng hiệu quả khi muốn xác nhận một bác sĩ có được phép hành nghề khám chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn hay không.
Kết quả tra cứu thông tin bác sĩ và cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM bằng thongtin.medinet.org.vn
Với thực phẩm chức năng, người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có những giải pháp quyết liệt trước vấn nạn mạo danh, lừa đảo trục lợi trên không gian mạng. Cơ quan này đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.460 bài viết đăng thông tin sai sự thật; gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc, gỡ 54 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn...
Google đã gỡ 5.390 video vi phạm trên YouTube; Tiktok đã chặn, gỡ bỏ hơn 400 đường link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực...
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Có 3 nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Chiều 20/7, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) phát đi thông tin cảnh báo việc mạo danh bác sĩ, thương hiệu của bệnh viện này để trục lợi, lừa người bệnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan yêu cầu các cục, vụ liên quan thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Bác sĩ cho mọi nhà” thể hiện rõ vai trò của chuyển đổi số đối với việc thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, tạo sự kết nối giữa bác sĩ và người dân chặt chẽ hơn.
Tuyết Nhung và nhóm PV, BTV