Tiến sĩ Li là tác giả của cuốn Ăn để đánh bại bệnh tật lọt vào top bán chạy của New York Times.  

Các nghiên cứu đột phá của ông đã dẫn đến sự phát triển của hơn 40 phương pháp điều trị mới, tác động đến 70 bệnh bao gồm ung thư, tiểu đường, mù lòa, bệnh tim và béo phì.

Tiến sĩ William Li là chuyên gia trong lĩnh vực tuổi thọ. Ảnh: DWL

Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ Li trên CNBC về thực đơn ăn uống của chính ông có lợi cho sức khỏe: 

Là một bác sĩ và nhà khoa học thực phẩm, tôi đã dành 20 năm để nghiên cứu chế độ ăn uống có thể giúp chúng ta đánh bại bệnh tật và sống lâu hơn như thế nào. 

Tôi luôn áp dụng chế độ ăn dựa trên thực phẩm tự nhiên và phần lớn thực đơn của tôi được lấy cảm hứng từ sự pha trộn của hai nền văn hóa ẩm thực tuyệt vời trên thế giới: Địa Trung Hải và châu Á. Tôi gọi đó là chế độ ăn kiêng MediterAsian. 

Cả Địa Trung Hải và châu Á đều có những khu vực được gọi là Vùng Xanh, nơi có nhiều người sống lâu trăm tuổi. 

Dưới đây là các yếu tố chính của chế độ ăn MediterAsian có thể giúp bạn tăng cường miễn dịch và giữ sức khỏe:

Trái cây 

Táo: Một quả táo mỗi ngày có khả năng giúp bạn không cần đi khám, 3 quả táo mỗi ngày có thể giảm mỡ trong cơ thể. Loại quả này có thể dùng để chế biến salad, làm bánh, ăn tráng miệng. 

Lê: Đây là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, tốt cho sức khỏe đường ruột.

Bưởi: Bưởi chứa flavonoid chống lại bệnh tật và vitamin C là chất chống oxy hóa, chống viêm bảo vệ DNA. 

Quả bơ: Chất béo trong quả bơ là axit béo không bão hòa đơn lành mạnh, có thể làm giảm nồng độ cholesterol xấu LDL trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Rau

Bông cải xanh: Sulforaphane trong bông cải xanh bảo vệ tế bào gốc, cải thiện sức khỏe đường ruột và quá trình trao đổi chất, đồng thời khuếch đại các phản ứng miễn dịch.

Đậu nành: Các sản phẩm làm từ hạt đậu nành như đậu phụ, sữa đậu có liên quan đến giảm 20% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm 23% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Cà rốt: Đây là nguồn cung cấp chất xơ tốt cho sức khỏe đường ruột. 

Nấm: Nấm chứa loại chất xơ hòa tan gọi là beta-D-glucan, kích thích phát triển các mạch máu mới cần thiết để chữa lành vết thương, đồng thời ngăn ngừa các mạch máu có hại nuôi dưỡng ung thư.

Đậu trắng: Đậu là thực phẩm bổ dưỡng có thể giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol trong máu, đồng thời chứa các chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, magie và vitamin B9. 

Dầu ăn, gia vị

Dầu ô liu siêu nguyên chất: Đây là loại dầu được đánh giá tốt nhất hiện nay, được chiết xuất từ quả ô liu bằng quá trình ép lạnh. Loại dầu này chứa một lượng vừa phải vitamin E và vitamin K. Hàm lượng chất béo có trong dầu ô liu siêu nguyên chất khá dồi dào và có lợi cho sức khỏe. 

Giấm táo: Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng axit axetic trong giấm táo làm giảm mỡ trong cơ thể, cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.

Cá hồi chứa nhiều chất béo omega-3 tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Getfish

Hải sản

Cá hồi: Omega-3 có trong cá hồi cải thiện một số bệnh về rối loạn thần kinh và chống lại một số bệnh tự miễn, đồng thời góp phần hỗ trợ điều trị thấp khớp, viêm loét đại tràng, bệnh vảy nến. 

Trứng cá: Loại thực phẩm này có nhiều omega-3 tự nhiên, loại chất béo lành mạnh. 

Cá mòi: Đây là loại hải sản lâu đời của vùng Địa Trung Hải, chứa các hoạt chất sinh học cải thiện quá trình trao đổi chất và giảm cholesterol trong máu.

Nước uống

Trà matcha: Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng matcha có thể chống lại các tác động không tốt của chế độ ăn nhiều chất béo.

Trà ô long: Phân tích của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy uống trà ô long ba ngày một tuần cải thiện quá trình trao đổi chất tổng thể.