Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: 'Tôi thường điều trị bệnh nhân mắc bệnh lý về thần kinh, như đau đầu, rối loạn tiền đình nhưng gặp một số đơn thuốc viết tay bệnh nhân nhờ đọc hộ, tôi cũng muốn tiền đình theo vì dịch không nổi'.
Lời tòa soạn
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, trước 30/6, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc điện tử. Theo đó, lộ trình này được đặt ra với bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trong năm 2022, trong khi các cơ sở khám chữa bệnh khác (như trạm y tế, các cơ sở y tế tư nhân...) thì muộn hơn, hoàn thành trước tháng 7/2023.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng đơn thuốc kê tay vẫn còn tồn tại, thậm chí nhiều đơn thuốc khiến bệnh nhân, dược sĩ không thể đọc được.
Để phản ánh vấn đề này, VietNamNet tạo diễn đàn Vì sao cần "xóa sổ" đơn thuốc viết tay không ai đọc được của bác sĩ.
Tôi là bác sĩ nội khoa, thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý về thần kinh, như đau đầu lâu năm, rối loạn tiền đình, thiếu máu não…
Không ít lần bệnh nhân cầm đơn thuốc bác sĩ khác kê đến nhờ tôi xem hộ, vì bản thân họ dịch không ra, nhà thuốc gần nhà cũng không đọc được. Hơn 25 năm trong nghề, tôi biết thuốc, biệt dược chuyên ngành “loanh quanh” từng này loại, nhưng gặp những đơn đó, tôi cũng muốn “tiền đình” theo vì dịch không nổi.
Vì sao nhiều bác sĩ viết chữ xấu, không dịch được?
Để chính thức khám chữa bệnh, các sinh viên đại học y khoa phải trải qua chương trình y khoa rất nặng, thời gian dài. Mỗi môn học phải ghi chép rất nhanh cho kịp bài giảng, chữ dần xấu đi.
Đến năm thứ 3, sinh viên y khoa bắt đầu phải đi học và thực tập lâm sàng tại các bệnh viện, thường các thầy cũng là bác sĩ điều trị, nói rất nhanh, ai không tốc ký thì không ghi lại được gì.
Không phải được ngồi chép lời giảng như những năm đầu đại học nữa, sinh viên y khoa viết, chép trong mọi tư thế: Đi, đứng, chạy. Thầy cô liên tục vừa nói, vừa thực hành, sinh viên vừa phải tập trung nghe, chép nhanh bằng mọi cách: Viết ngoáy, viết tắt, ký hiệu hay dùng những ký tự của riêng mình, rồi về nhà đọc lại, lâu dần thành thói quen viết chữ xấu.
Ra trường, đi làm tại các cơ sở y tế, thời gian để khám cho mỗi bệnh nhân không nhiều, nhất là ở bác sĩ bệnh viện công. Mỗi người có thể phải khám 30-40 bệnh nhân/buổi, nên không viết nhanh cũng không thể kịp thời gian.
Ngoài ra, với một số chuyên ngành, số mặt bệnh không nhiều, đơn thuốc về cơ bản không khác nhau bao nhiêu. Có những bác sĩ viết theo thói quen, quán tính, chữ đã khó đọc lại càng khó hơn. Chưa kể, tên các loại thuốc là chữ cái La tinh, rất dài và khó nhớ, bác sĩ vừa phải nhớ, vừa phải ghi chép thật nhanh để tiếp tục thăm khám cho bệnh nhân tiếp theo. Vì thế, chữ bác sĩ càng xấu hơn.
Vì sao đơn thuốc viết tay vẫn còn tồn tại ở các bệnh viện?
Chữ xấu hay đẹp do thẩm mỹ từng người, nhưng tối thiểu, đơn thuốc viết tay bệnh nhân phải đọc được. Không thể đổ cho lý do “chỉ cần dược sĩ đọc được là được”.
Trong một số tình huống, đơn thuốc viết tay vẫn thuận tiện hơn, ví dụ thời gian ra đơn nhanh hơn, người bệnh dễ dàng cầm ra hiệu thuốc để mua. Nhưng đâu đó tôi vẫn cho rằng viết nguệch ngoạc “giun dế” khiến người khác (bệnh nhân, bác sĩ, dược sĩ) không luận dịch được là bác sĩ kê đơn thiếu trách nhiệm, khám bệnh theo kiểu ban ơn.
Thực tế tâm lý không ít người bệnh chưa quen với việc đòi hỏi quyền lợi của mình. Bác sĩ vừa kê đơn vừa dặn dò, bệnh nhân “vâng, dạ”, không thấy bệnh nhân hỏi lại nên bác sĩ tin rằng bệnh nhân đã nghe, đã hiểu.
Bác sĩ không thấy bệnh nhân nào phản hồi sau khám, điều trị, đinh ninh mình viết thế là bình thường, lại cho rằng người bệnh được khám ở cơ sở mình là tốt rồi, không được đòi hỏi gì thêm, điều này càng khiến các bác sĩ không có động lực để thay đổi.
Hiện nay các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công lập hạng 2 trở lên, đều ứng dụng công nghệ thông tin, tên tuổi, triệu chứng, mục đích khám đều được lưu vào hệ thống máy tính, chuyển tới các khoa phòng bệnh nhân sẽ khám lâm sàng hay làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Đơn thuốc hay phiếu khám bệnh đều được in máy.
Vì thế, tôi cho rằng một tình huống khiến đơn thuốc viết tay còn tồn tại trong bệnh viện có thể do bệnh nhân “nhờ ngang” các bác sĩ quen biết, không qua đăng ký khám bệnh của bệnh viện.
Thực tế, vẫn có một số ít bác sĩ, cố tình không cung cấp đơn thuốc in máy, thậm chí viết đơn thuốc khó đọc, để nhằm đạt được một số lợi ích. Ví dụ chỉ một vài nhà thuốc quen biết mới dịch được, hoặc kê một số loại thực phẩm chức năng, không được phép đưa vào đơn thuốc. Với các bác sĩ này, càng để lại ít bằng chứng càng tốt, và đẩy phần khó khăn, bất lợi về phía bệnh nhân.
Bệnh nhân cần lên tiếng đòi quyền lợi nếu không đọc được đơn thuốc
Tuy nhiên, tất cả các lý do trên đều chỉ là biện hộ, hoàn toàn có thể khắc phục.
Tôi biết một số bác sĩ viết rất đẹp, thậm chí chỉ dùng bút mực để kê đơn, trong khi hằng ngày vẫn khám rất nhiều bệnh nhân. Cá nhân tôi, dù chữ không đẹp nhưng dễ đọc.
Theo tôi, chữ viết một phần nào đánh giá tính cách của con người, thể hiện sự tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân. Nếu phải viết tay, hãy viết để làm sao đa số người bệnh đều có thể đọc được. Rất nhiều việc khó khăn hơn nhiều, các bác sĩ vẫn làm rất tốt. Tại sao không viết chậm lại một chút, dù không đẹp nhưng cũng rõ ràng, dễ đọc?
Ở góc độ người bệnh, chúng ta cũng cần phải lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng này. Quyền lợi của người bệnh là được biết đầy đủ về nội dung đơn thuốc và lời dặn của bác sĩ sau khi khám bệnh. Tránh tình trạng các bác sĩ thấy bệnh nhân không đòi hỏi, lại cứ nghĩ mình làm tốt rồi, không chịu thay đổi.
Hệ lụy của việc chữ bác sĩ kê đơn xấu rất dễ nhìn thấy. Đành rằng một số nhà thuốc quanh bệnh viện, có thể đã quen với chữ bác sĩ đó, mặt bệnh, tên thuốc, nên chỉ cần nhìn vài ký tự đầu là dịch ra, nhưng với bệnh nhân ở vùng xa xôi, đưa đơn về tỉnh/huyện mua, dược sĩ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đọc đơn thuốc.
Thời đại 4.0, chuyển đổi số đến từng chi tiết nhỏ trong bệnh viện, đơn thuốc in máy, chỉ dẫn điện tử, lưu trữ hệ thống vừa giúp bệnh nhân có thể đọc hiểu, mua thuốc, cũng như theo dõi tình trạng bệnh dễ dàng hơn. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng)
Trước đây, có bác sĩ đưa đơn thuốc bằng giấy cho người bệnh là xong, không để lại "dấu vết", nhưng khi minh bạch bằng Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia, không ít người e ngại.