Playa de Las Teresitas từng rất khác với bãi biển mà khách du lịch quen thuộc ngày nay. Trong quá khứ, đây là một bãi biển toàn đá cuội và cát núi lửa đen và nước không phẳng lặng. Đó là một bãi biển rất nguy hiểm, nơi nước đập mạnh vào đá. Nhưng đây lại là bãi biển duy nhất gần Santa Cruz. Phần bãi biển còn lại là "nạn nhân" của các công ty xây dựng khai thác cát. Ngay cả cảng Santa Cruz de Tenerife cũng đang lấn chiếm bờ biển.
Năm 1953, hội đồng thành phố Santa Cruz quyết định xây dựng một bãi biển nhân tạo ở Las Teresitas. Phải mất tám năm để đưa ra một thiết kế và bốn năm nữa để được hội đồng và các bộ của Tây Ban Nha chấp thuận. Bước đầu tiên được thực hiện là bảo vệ bãi biển khỏi những con sóng mạnh, nhờ đó một đê chắn sóng lớn đã được xây dựng. Một bậc thang cũng được cắt xuống biển để ngăn nước cuốn trôi cát mà sau này sẽ đổ xuống Las Teresitas. 270.000 tấn cát trắng chuyển đến từ sa mạc Sahara được sử dụng cho một bãi biển dài 1,3 km và rộng 80 mét. Bãi biển mở cửa vào năm 1973 và nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của người dân địa phương cũng như khách du lịch.
Cát thường xuyên được chuyến đến quần đảo Canary từ sa mạc Tây Sahara để tái tạo các bãi biển và cũng để sử dụng trong xây dựng quy mô lớn. Thật không may, một tỷ lệ lớn việc nhập khẩu này diễn ra bất hợp pháp.
ENACT Africa, một tổ chức chống tội phạm xuyên quốc gia ở châu Phi, giải thích: “Việc khai thác cát này gây ra nhiều hậu quả cho Tây Sahara và người dân ở đây. Về mặt kinh tế, chính quyền và các công ty Morocco được hưởng lợi từ hoạt động thương mại này. Về mặt môi trường, việc khai thác như vậy làm biến dạng cảnh quan và làm xói mòn các hệ sinh thái nhạy cảm”.
Cát là một nguồn tài nguyên hạn chế và thế giới dường như đang cạn kiệt vì số lượng lớn loại vật liệu này đang được con người sử dụng trong xây dựng. Theo một ước tính, thế giới sử dụng 50 tỷ tấn cát hàng năm, đủ để xây một bức tường cao 27 mét, rộng 27 mét trên khắp thế giới.
Điều làm cho việc khai thác cát trở nên nghiêm trọng là nhiều người khai thác bất hợp pháp lấy trộm cát từ bãi biển và lòng sông, thay vì từ sa mạc vì cát sa mạc quá mịn để sử dụng làm chất kết dính trong bê tông. Việc khai thác cát từ các khu vực nhạy cảm làm suy giảm đa dạng sinh học và tạo thêm rủi ro môi trường, chẳng hạn như sự biến mất dần dần của đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà hoạt động và học giả kêu gọi Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hành động nhiều hơn để hạn chế thiệt hại do khai thác cát gây ra.
Tổng hợp